Hội thảo tư vấn phản biện dự thảo Đề án “Nghiên cứu, nhận diện, đề xuất phương án bảo tồn, phục hồi và phát huy giá trị không gian lịch sử-văn hoá kinh đô cổ Hoa Lư”
Thứ Năm, 05/12/2024, 17:28
Zalo
Chiều 5/12, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh tổ chức hội thảo tư vấn phản biện dự thảo Đề án “Nghiên cứu, nhận diện, đề xuất phương án bảo tồn, phục hồi và phát huy giá trị không gian lịch sử-văn hoá kinh đô cổ Hoa Lư” (Gọi tắt là Đề án).
Quang cảnh hội thảo.
Dự hội nghị có lãnh đạo Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh; đại diện một số sở, ban, ngành, đoàn thể; các thành viên Hội đồng tư vấn phản biện.
Cố đô Hoa Lư ngày nay từng là kinh đô của Nhà nước Đại Cồ Việt thế kỷ X, có trữ lượng tài nguyên văn hoá từ truyền thống đến đương đại rất phong phú, đa dạng, hội tụ hệ thống di sản văn hoá vật thể, phi vật thể, di sản tư liệu, di sản hỗn hợp đồ sộ được vinh danh tầm quốc gia và quốc tế. Trong đó Khu di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư đã được các nhà nghiên cứu quan tâm đặc biệt với hàng loạt công trình nghiên cứu, các đợt thăm dò, thám sát, nghiên cứu khảo cổ học được dày công tiến hành trong hơn 50 năm nay. Tuy nhiên, bức tranh chung về đô thành Hoa Lư trong khoảng thời gian từ năm 968 đến năm 1010 vẫn còn đang là những nét phác thảo. Chưa có nghiên cứu tổng thể, định dạng, nhận diện và có những giải pháp phù hợp bảo tồn và phát huy giá trị không gian văn hoá Hoa Lư, trong bối cảnh phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Ninh Bình. Đề án được xây dựng nhằm nghiên cứu, nhận diện, bảo tồn, phỏng dựng, phục dựng và phát huy giá trị toàn bộ không gian lịch sử văn hóa đô thị Hoa Lư cổ, trong đó lấy khảo cổ học đô thị và các giải pháp khoa học và công nghệ là nhiệm vụ trọng tâm, phát huy lợi thế của khoa học liên ngành, góp phần thực hiện chủ trương xây dựng Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản, có bản sắc và định vị thương hiệu riêng, một trung tâm về công nghiệp văn hoá, du lịch tầm quốc gia và quốc tế.
Tại hội thảo, đại diện Sở Văn hoá và Thể thao đã trình bày tóm tắt nội dung Đề án, bao gồm: cơ sở thực hiện Đề án; quan điểm, mục tiêu; nhiệm vụ, giải pháp thực hiện; tổ chức thực hiện; phân công nhiệm vụ.
PGS. TS. Nguyễn Khắc Sử phát biểu tại hội thảo.
Thảo luận tại hội thảo, Hội đồng tư vấn phản biện đề cao tính cấp thiết của Đề án, cũng như sự chuẩn bị công phu, khoa học của đơn vị tổ chức. Đồng thời, nêu một số ý kiến đóng góp hoàn thiện Đề án. Trong đó góp ý về thể thức trình bày, sắp xếp lại bố cục, cấu trúc… Nội dung Đề án cần nhất quán, chặt chẽ hơn, làm rõ tính đặc thù của di sản kinh đô cổ Hoa Lư, thực trạng bảo tồn từ trước đến nay, kinh nghiệm của các nước…
Tiếp thu ý kiến của Hội đồng tư vấn phản biện, đơn vị xây dựng Đề án trên cơ sở đó sẽ bổ sung, chỉnh sửa và hoàn thiện Đề án.