Dự hội thảo có đại diện lãnh đạo: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Khoa học và Công nghệ, Hội Nông dân tỉnh; các Hội thành viên thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh; các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài tỉnh có liên quan.
Hội thảo được nghe kết quả, thực trạng phát triển kinh tế nông nghiệp giai đoạn 2010- 2020. Dự thảo đề án cũng nhấn mạnh, với vị trí địa lý nằm ở cực Nam của đồng bằng sông Hồng, Ninh Bình có có điều kiện tự nhiên khá đa dạng,
Đề án xác định gồm 5 tiểu vùng sinh thái nông nghiệp (vùng núi bán sơn địa, vùng trũng, vùng ven đô thị, vùng đồng bằng và vùng ven biên), mỗi vùng sinh thái mang những nét đặc trưng riêng về truyền thống sản xuất, theo đó là sự đa dạng về cây trồng, vật nuôi, thủy hải sản...
Ninh Bình cũng là địa phương có nhiều loại sản phẩm đặc sản quý hiếm, nếu được đầu tư quan tâm đúng mức sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao, khuyến khích sản xuất nông nghiệp phát triển. Đồng thời khai thác tiềm năng văn hóa, du lịch để phát triển sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.
Dự thảo đề án cũng nêu bật quan điểm, mục tiêu, các chỉ số tăng trưởng của một số lĩnh vực thuộc ngành nông nghiệp; giá trị sản xuất hàng hóa trên đơn vị canh tác; tỷ lệ, giá trị sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết; tỷ lệ sản phẩm phân bón hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong sản xuất nông nghiệp.
Theo đó, Đề án nhấn mạnh đến nhiệm vụ, nêu các giải pháp, như: Đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất các sản phẩm chủ lực theo tiểu vùng kinh tế sinh thái nông nghiệp; Đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản, sản phẩm nông nghiệp du lịch; Thử nghiệm giống cây trồng, vật nuôi mới, vật tư sản xuất, công nghệ mới vào sản xuất;
Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các hình thức tổ chức sản xuất; Tăng cường hoạt động liên kết sản xuất, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường nông sản; Đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ; Tăng cường dịch vụ và quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm…
Các đại biểu tập trung tư vấn, phản biện, đóng góp vào dự thảo. Nhìn chung, hệ thống các nhiệm vụ cụ thể, đi kèm các chỉ tiêu của Đề án nêu khá đầy đủ, phù hợp với các vùng sinh thái đặc thù của một tỉnh nông nghiệp thuộc vùng đồng bằng Sông Hồng, theo hướng thực hiện nền nông nghiệp hiện đại, đa dạng, an toàn, bền vững và bảo vệ môi trường.
Đề án "Phát triển kinh tế nông nghiệp tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2022-2025" là hệ thống các nhiệm vụ phục vụ phát triển kinh tế nông nghiệp, đồng thời góp phần hiện thực hóa cụ thể Chương trình hành động số 01-CTr/TU ngày 28/12/2020 thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025.
Xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ của từng địa phương và cả nước, đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh Ninh Bình phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Tuy nhiên, Đề án cũng cần được xem xét chỉnh sửa, bổ sung một số nội dung theo ý kiến của Hội đồng để hoàn thiện bản chính, trình các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt cho phép thực hiện.
Tin, ảnh: Minh Đường