Tham dự hội thảo có lãnh đạo Sở KH&CN, Sở Công thương, Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp&PTNT, Sở Văn hóa, Thể thao&Du lịch cùng đại diện các công ty, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực cói mỹ nghệ trên địa bàn tỉnh. Tại hội nghị, sau khi nghe đại diện đơn vị tư vấn thực hiện dự án trình bày các mẫu logo, các ý kiến phát biểu tại hội thảo cho rằng, việc thiết kế logo để đăng ký nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm cói mỹ nghệ Kim Sơn là rất cần thiết, do vậy ngoài các yếu tố cấu thành của nhãn hiệu, logo phải đảm bảo ý nghĩa tổng quan, thực sự ấn tượng, dễ nhớ, nổi bật và chứa đựng đầy đủ các giá trị đặc trưng về văn hóa của Kim Sơn, qua đó giúp người tiêu dùng có thể nhận biết một cách dễ dàng các sản phẩm truyền thống của địa phương.
Về quy chế sử dụng nhãn hiệu "Cói mỹ nghệ Kim Sơn", đại diện các ngành liên quan và các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực cói trên địa bàn cũng đưa ra nhiều ý kiến, trong đó vấn đề được nhiều ý kiến đề cập là phạm vi sản xuất cói, theo đó nên mở rộng phạm vi sản xuất ra các huyện trong toàn tỉnh chứ không chỉ riêng ở huyện Kim Sơn; bên cạnh đó việc xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến hoạt động khai thác, sử dụng nhãn hiệu tập thể cũng cần được quy định chi tiết, rõ ràng hơn...
Hiện nay trên địa bàn tỉnh, các doanh nghiệp sản xuất cói mỹ nghệ đang ở thế yếu về năng lực cạnh tranh do thương hiệu doanh nghiệp chưa được biết đến trên thị trường. Việc xây dựng một thương hiệu chung cho sản phẩm cói mỹ nghệ của Ninh Bình để phân biệt với các sản phẩm của địa phương khác sẽ giúp nâng cao giá trị kinh tế, đảm bảo phát triển bền vững cho làng nghề, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân.
Hà Phương