Trước thực trạng trên, BCH Hội LHPN xã đã trăn trở, suy nghĩ làm thế nào để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho hội viên. Đồng chí Đinh Thị
Thơm, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Gia Thủy chia sẻ: Hội xác định muốn đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn thì phải coi công tác phối hợp dạy nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm cho hội viên là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt.
BCH Hội đã tổ chức khảo sát lao động dôi dư lúc nông nhàn, nhu cầu học nghề, làm nghề phù hợp với điều kiện của phụ nữ ở địa phương để có kế hoạch, giải pháp hỗ trợ phát triển kinh tế cũng như tạo việc làm tại chỗ cho các chị em, đồng thời báo cáo xin ý kiến cấp ủy.
Được cấp ủy đồng tình ủng hộ, Hội đã chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức dạy nghề cho hội viên, đồng thời xây dựng kế hoạch, chỉ đạo 100% các chi hội tổ chức khảo sát hội viên có nhu cầu học nghề, phân loại từng độ tuổi phù hợp với từng loại nghề, địa điểm mở lớp…
Năm 2014, Hội đã chủ động phối hợp với Hội nông dân và công ty TNHH Đầu tư và Xuất khẩu Thành Hóa mở lớp dạy nghề đan làn nhựa cho 65 hội viên.
Ban đầu, Hội chỉ chọn mỗi chi hội từ 5 đến 6 chị trẻ tuổi, nhanh tay, nhanh mắt, có khả năng tiếp thu tốt để dạy nghề thành thạo, sau đó mới triển khai sâu rộng tới 12/12 chi hội trên địa bàn toàn xã.
Đến nay, toàn xã đã có 104 hội viên làm nghề thành thạo và duy trì tốt nghề, mỗi tháng thu nhập từ 2,5- 3 triệu đồng.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Hội đã phối hợp với HTX thủ công mỹ nghệ mở 2 lớp thêu ren cho 60 hội viên, hiện nay nghề thêu ren vẫn được duy trì và phát triển, đem lại thu nhập từ 2-2,5 triệu đồng/người/tháng.
Ngoài ra trên địa bàn xã còn một số nghề truyền thống như: nghề gốm, mây tre đan đang thu hút trên 100 lao động nữ phù hợp với từng lúa tuổi và đảm bảo thu nhập trên 3 triệu đồng/người/tháng.
Hội còn phối hợp tư vấn và giới thiệu việc làm cho 295 hội viên vào làm nghề may tại các công ty may trong và ngoài địa bàn xã với thu nhập tương đối ổn định từ 3-4 triệu đồng/tháng.
Song song với việc phối hợp dạy nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm cho phụ nữ, để tạo điều kiện cho hội viên có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, vươn lên làm giàu, Ban Thường vụ Hội phụ nữ xã đã chủ động phối hợp với Ban xóa đói giảm nghèo của xã và Ngân hàng CSXH, Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT và Hội LHPN tỉnh rà soát, thẩm định các đối tượng cho vay. Hiện hội đang quản lý gần 40 tỷ đồng ở 12 tổ tiết kiệm cho 856 hội viên vay vốn để phát triển kinh tế.
Ban Thường vụ Hội đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các tổ tiết kiệm tổ chức bình xét đối tượng cho vay một cách công khai, dân chủ, khách quan. Hàng tháng duy trì tốt công tác kiểm tra các tổ tiết kiệm về việc bình xét các đối tượng cho vay, việc sử dụng vốn, việc trả nợ vốn, lãi.
Hàng năm đều tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm, khen thưởng, động viên kịp thời nên 12/12 tổ tiết kiệm đều thu gốc, lãi đúng quy định, không có hội viên chây ỳ, nợ đọng, nợ quá hạn. Hội viên đều sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả.
Hội Phụ nữ Gia Thủy luôn là 1 trong 6 Hội phụ nữ cấp xã không có tình trạng nợ đọng, nợ lãi và nợ quá hạn, năm 2015 Hội đã được ngân hàng CSXH Việt Nam tặng giấy khen.
Qua công tác phối hợp dạy nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm, đa số hội viên phụ nữ xã Gia Thủy đã có việc làm thường xuyên, duy trì được nghề, đem lại thu nhập ổn định cho kinh tế hộ gia đình, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo năm 2015 toàn xã xuống chỉ còn 6,5%.
Khải Hoàn