Qua đó đã giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương và các xã lận cận. Tuy nhiên, dưới sự tác động của nền kinh tế thị trường, sự xuất hiện của các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn đã thu hút một số lượng lớn nguồn nhân lực nông thôn. Lực lượng lao động còn lại để duy trì và phát triển các nghề truyền thống rất hạn chế, dẫn đến các làng nghề, nghề truyền thống đứng trước nguy cơ dần bị thu hẹp. Cùng với đó, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đang là những thách thức lớn ảnh hưởng trực tiếp đến việc duy trì và phát triển nghề truyền thống tại các địa phương trong huyện.
Trước thực tế đó, với vai trò, trách nhiệm của mình, Hội Nông dân huyện đã xây dựng nhiều giải pháp quan trọng để hỗ trợ nông dân trong việc duy trì và phát triển nghề truyền thống. Trọng tâm là công tác tuyên truyền, triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển nghề truyền thống, vấn đề đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tuyên truyền nâng cao nhận thức cho hội viên nông dân về tầm quan trọng và ý nghĩa của việc duy trì và phát triển nghề truyền thống gắn với đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, xây dựng nông thôn mới để từ đó tích cực vận động hội viên cùng tham gia. Bên cạnh đó, Hội còn phối hợp dạy nghề, hỗ trợ các hộ tiếp cận thông tin thị trường, hỗ trợ về vốn vay để phát triển sản xuất, ngành nghề, hỗ trợ các hộ hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận cơ sở sản xuất an toàn thực phẩm. Trong 5 năm qua, các cấp Hội Nông dân Yên Khánh đã phối hợp giúp 10.600 lượt cán bộ, hội viên nông dân được học nghề, truyền nghề và giới thiệu việc làm với mức thu nhập từ 3 - 5 triệu đồng/người/tháng.
Để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác đào tạo nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho hội viên, nông dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các cấp Hội đã phối hợp với Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Giáo dục nghề nghiệp huyện mở 28 lớp dạy nghề đan cói, bèo bồng xuất khẩu cho 840 hội viên nông dân. Sau học nghề, 100% lao động đã có việc làm ổn định, với mức thu nhập đạt trên 3 triệu đồng/người/tháng. Thông qua công tác dạy nghề góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Hội cũng đã phối hợp với Ban Kinh tế - Xã hội Hội Nông dân tỉnh, các ngành chức năng tổ chức 120 lớp tập huấn kiến thức sản xuất thực phẩm đảm bảo an toàn cho 7.510 hội viên nông dân tại các cơ sở Hội. Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân, các chủ trang trại, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng thực phẩm đảm bảo an toàn. Vận động, hướng dẫn nông dân xây dựng 56 mô hình "Nông dân nói không với thực phẩm bẩn" trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và chế biến thực phẩm; có 3 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Nhằm tạo điều kiện hỗ trợ cho hội viên đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh phát triển kinh tế, nhất là tại các làng nghề, các cấp Hội đã phối hợp với Ngân hàng CSXH, Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT ủy thác cho 6.289 hội viên vay với số tiền 256,3 tỷ đồng; tiếp nhận và giải ngân trên 3,5 tỷ đồng nguồn vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp cho 165 hộ nông dân vay. Đồng thời quan tâm tới các hộ khó khăn phát triển nghề chế biến nông sản, bún, bánh và các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đảm bảo an toàn. Từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân đã hình thành các tổ, nhóm liên kết hợp tác sản xuất với hàng trăm hộ vay vốn, khắc phục căn bản điểm yếu cho vay nhỏ lẻ trước đây và tạo dựng các mô hình có quy mô lớn, góp phần duy trì và đẩy mạnh các nghề truyền thống, nâng cao thu nhập và xây dựng nông thôn mới huyện Yên Khánh.
Thời gian tới, song song với công tác tuyên truyền, Hội sẽ tích cực vận động hộ nông dân tham gia phát triển ngành nghề sản xuất, kinh doanh, phân loại những ngành nghề truyền thống có khả năng tồn tại, phát triển và những nghề có nguy cơ mai một để tổ chức các hoạt động hỗ trợ phù hợp... Đồng thời mong muốn địa phương tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng và các dịch vụ phục vụ hoạt động sản xuất của làng nghề; chú trọng hơn nữa tới vấn đề ô nhiễm môi trường trong quá trình phát triển.
Đào Duy