Trên cơ sở hướng dẫn của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Hội Nông dân huyện Hoa Lư tiến hành khảo sát và chọn xã Ninh Xuân chỉ đạo xây dựng mô hình điểm. Với đặc thù là một xã miền núi có 80% dân số sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp, năm 2010 xã Ninh Xuân được quy hoạch nằm trong vùng mở rộng Dự án phát triển quần thể du lịch sinh thái Tràng An, do đó xã phải thu hồi 120 ha đất nông nghiệp phục vụ cho triển khai thực hiện dự án. Khi thực hiện thu hồi đất, đại bộ phận nông dân đã chấp hành nghiêm túc chủ trương của tỉnh, song bên cạnh đó còn một số hộ chưa chấp hành và còn có ý kiến khiếu nại về việc đền bù. Trước thực trạng đó, các cấp ủy Đảng đã giao cho UBND xã phối hợp với các đoàn thể chính trị-xã hội, trong đó có Hội nông dân triển khai công tác tuyên truyền, vận động, giải thích để nông dân chấp hành việc thu hồi đất.
Để có cơ sở xây dựng kế hoạch chỉ đạo, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Hội Nông dân huyện, xã tiến hành khảo sát mức độ nhận thức và tình hình chấp hành pháp luật của nông dân tại địa phương. Sau đó thành lập Ban chỉ đạo xây dựng mô hình điểm thực hiện Chỉ thị 26. Hoạt động được triển khai đầu tiên là việc tổ chức lớp tập huấn kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải cho cán bộ chính quyền và Hội nông dân xã, đội ngũ cộng tác viên của các thôn, xóm. Các học viên đã được nghe báo cáo viên pháp luật của tỉnh trao đổi những vấn đề cơ bản về Luật Đất đai, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, kỹ năng hòa giải tại cơ sở. Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo Hội Nông dân xã tổ chức 6 lớp tập huấn pháp luật cho hội viên nông dân ở các chi hội với nội dung là phổ biến những luật liên quan trực tiếp đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Để các lớp tập huấn đạt kết quả tốt, việc lựa chọn nội dung được dựa trên tiêu chí đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của nông dân, đưa các lớp tập huấn về hội trường thôn để tổ chức, báo cáo viên giảng bài theo phương pháp thuyết trình trên màn hình có những tư liệu dẫn chứng minh họa, các buổi học tập pháp luật đều xen kẽ các hoạt động văn nghệ, vì vậy các lớp tập huấn này thu hút đông đảo hội viên nông dân đến dự. Bên cạnh đó, Hội Nông dân tỉnh, huyện đều có ý kiến phát biểu định hướng chỉ rõ những sai trái khi nông dân có hành vi đi khiếu kiện đông người, hướng dẫn nông dân thực hiện việc khiếu nại như thế nào là đúng với quy định của pháp luật.
Thực hiện sự chỉ đạo của Hội Nông dân tỉnh, năm 2010 Hội Nông dân xã Ninh Xuân đã thành lập được Câu lạc bộ nông dân với pháp luật, có 50 thành viên. Qua 2 năm hoạt động, căn cứ nhu cầu của hội viên nông dân, đến năm 2012 Hội đã tiến hành bổ sung 50 thành viên, nâng tổng số thành viên câu lạc bộ lên 100 người phân bổ ở 4 thôn. Câu lạc bộ đã xây dựng được đội ngũ cộng tác viên pháp luật gồm 20 người. Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ đã có nhiều cố gắng trong việc duy trì và tổ chức sinh hoạt Câu lạc bộ, trong sinh hoạt có nhiều đổi mới về hình thức như tổ chức cho thành viên nghe phổ biến các luật liên quan đến nông nghiệp, nông dân và nông thôn; tổ chức hái hoa dân chủ, tìm hiểu pháp luật, biểu diễn văn nghệ. Tại các buổi sinh hoạt, các thành viên đã trao đổi thông tin về pháp luật, phản ánh tình hình hội viên nông dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vận động hội viên nông dân thực hiện tốt Pháp lệnh Dân chủ ở cơ sở. Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ đã phối hợp với Đài truyền thanh xã tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên hệ thống truyền thanh của xã. Xây dựng tủ sách pháp luật, thường xuyên cho cán bộ, hội viên mượn để tra cứu.
Ngoài ra, Hội Nông dân phối hợp với UBND xã, Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh tổ chức 1 đợt trợ giúp pháp lý lưu động tại xã. Các thành viên Câu lạc bộ, thành viên Ban chỉ đạo thường xuyên nắm bắt các mâu thuẫn, vướng mắc pháp luật và tham gia cùng tổ hòa giải tuyên truyền, vận động tư vấn cho các đối tượng, giúp hòa giải các mâu thuẫn trong nông dân ngay tại chi hội. Trong năm qua, thành viên tổ hòa giải đã tham gia hòa giải 10 vụ việc.
Thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, Hội Nông dân xã đã tích cực vận động nông dân tham gia đặc biệt là khuyến khích nông dân phát huy vai trò chủ thể tham gia từ khâu đóng góp ý kiến xây dựng quy hoạch nông thôn mới, bàn bạc quyết định việc đóng góp công sức, tiền của xây dựng các công trình phúc lợi xã hội với phương thức dân biết, dân bàn, dân quyết định, dân làm, dân kiểm tra. Cán bộ Hội và các chi hội đã tham gia vào Ban giám sát cộng đồng để giám sát việc thực hiện các chương trình xây dựng nông thôn mới như giám sát làm đường giao thông nông thôn, xây dựng nhà văn hóa thôn, xóm…
Đào Duy