Các hoạt động hỗ trợ được triển khai dựa trên những khảo sát, đánh giá thực tế về nhu cầu cũng như khó khăn mà đa số hội viên, nông dân đang gặp phải như về chuyển giao khoa học kỹ thuật, dạy nghề, vốn vay để đầu tư phát triển sản xuất… Đồng chí Đinh Hồng Thái, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho rằng: Giải quyết được những khó khăn này thì mới có thể giúp nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững và đưa phong trào này thực sự phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu.
Với cách nghĩ, cách làm đó, thời gian qua các cấp Hội đã đồng hành cùng hội viên, nông dân từng bước tháo gỡ những khó khăn, trước hết là về việc nâng cao nhận thức, trình độ, khả năng ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cho bà con. Bởi nông dân muốn sản xuất giỏi phải là những người hiểu biết và nắm bắt được những yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường. Các cấp Hội đã phối hợp tổ chức dạy nghề cho gần 11 nghìn hội viên nông dân, từ đó có trên 8.500 nông dân được dạy nghề có việc làm, trong đó Hội Nông dân tỉnh trực tiếp tổ chức 3 lớp dạy nghề nông nghiệp về nuôi và phòng trị bệnh cho gà tại xã Văn Phương, trồng rau an toàn tại xã Sơn Lai và nhân giống nấm tại xã Gia Sơn (Nho Quan). Đồng thời, các cấp Hội cũng đã tổ chức hơn 2 nghìn buổi chuyển giao KHKT về trồng trọt, chăn nuôi cho gần 130 nghìn lượt cán bộ, hội viên nông dân với nhiều nội dung thiết thực như: sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng cách, nuôi trồng thủy sản, sản xuất theo chuỗi giá trị, trồng cây trái vụ…
Mặt khác, nhận thấy nhu cầu về vốn trong nông dân rất lớn, Hội đã chủ động phối hợp với một số ngân hàng giúp nông dân vay vốn đầu tư sản xuất. Trong đó thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội đã có 22.160 hội viên nông dân nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn; thành lập 575 tổ vay vốn Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn với tổng dư nợ hơn 1.500 tỷ đồng; giải ngân 19 dự án từ Quỹ Hỗ trợ nông dân cho 129 hộ vay. Cùng với đó, tổ chức Hội còn phối hợp với các doanh nghiệp cung ứng phân bón trả chậm, thức ăn chăn nuôi cho hội viên nông dân, vừa góp phần hạn chế tình trạng phân bón giả, kém chất lượng, vừa đảm bảo phục vụ sản xuất kịp thời cho bà con. Có kiến thức, có đồng vốn trong tay lại nhận được sự hỗ trợ nhiều mặt của tổ chức Hội, không ít hộ đã mạnh dạn đầu tư sản xuất, kinh doanh, kể cả ở những lĩnh vực mới và khó như sản xuất sạch, kinh doanh cây con đặc sản…
Điểm đặc biệt dễ nhận thấy ở phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững" chính là việc thể hiện được tính nhân văn, tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau giữa các hộ nông dân giỏi với các hộ nông dân nghèo. Trong đó, hộ khá, giàu giúp hộ nghèo thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, cho nhau vay vốn, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi. Việc làm này đã trở thành nền nếp trong sản xuất và đời sống văn hóa của cộng đồng nông thôn. Nhờ đó trong năm qua đã có 110 hộ hội viên nông dân thoát nghèo từ sự giúp đỡ của các cấp hội và những hội viên sản xuất, kinh doanh giỏi trên địa bàn. Cùng với đó, các cấp Hội cũng đã vận động hỗ trợ hội viên số tiền 2,3 tỷ đồng, hơn 1 nghìn ngày công lao động và các loại vật tư nông nghiệp trị giá hơn 900 triệu đồng.
Nhờ các giải pháp đồng bộ đã được các cấp Hội triển khai, qua bình xét cuối năm 2018, toàn tỉnh có tới 24.500 hộ hội viên, nông dân đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Đó cũng chính là cơ sở để Hội Nông dân tỉnh đề ra mục tiêu trong năm 2019 có ít nhất 60 nghìn hộ đăng ký, có 35% trở lên số hộ đăng ký đạt danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp; mỗi xã, phường có ít nhất 1 mô hình "Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi" mới, hiệu quả.
Đào Duy