Đồng chí Nguyễn Thị Nguyệt, Chủ tịch Hội Nông dân thị xã cho biết: Được sự quan tâm của Ban đại diện và Ngân hàng CSXH thị xã Tam Điệp, đến cuối năm 2010, Hội Nông dân thị xã đã giải ngân cho 2.216 hội viên vay vốn với lũy kế dư nợ đạt 31.948,3 triệu đồng. Trong đó: Cho hộ nghèo vay 1.019 hộ, với số tiền 10.337,7 triệu đồng; vay nước sạch và vệ sinh môi trường 830 hộ, 6.014,2 triệu đồng; học sinh, sinh viên vay, 14.349,5 triệu đồng; vay xuất khẩu lao động: 15 hộ, 365,5 triệu đồng; vay giải quyết việc làm 47 hộ với số tiền 825,5 triệu đồng; vay làm nhà ở 7 hộ, 56 triệu đồng.
Thực hiện Nghị quyết 10 của Tỉnh ủy và Đề án 15 của UBND tỉnh về xóa đói, giảm nghèo, Hội Nông dân thị xã đã giao chỉ tiêu, kế hoạch giảm nghèo cho cơ sở Hội xã, phường. Các cơ sở Hội đã khảo sát, phân loại và có kế hoạch, phân công giúp đỡ những hội viên nghèo về giống, con nuôi, vật tư, phân bón, chuyển giao KHKT… Đoàn kết giúp đỡ nhau giảm nghèo là một nét đẹp trong các cơ sở Hội và được các hội viên đồng tình hưởng ứng. Ngoài sự giúp đỡ trực tiếp, Hội còn phát động các phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả cao, mở các lớp dạy nghề cho nông dân, tín chấp mua phân bón trả chậm cho các hội viên… làm cơ sở và điều kiện để cho các hội viên nghèo biết cách thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Nhờ sự quan tâm, ủng hộ của các cấp, các ngành, đặc biệt là Ngân hàng CSXH thị xã đã có 17 hộ trong tổng số 90 hội viên nghèo của Hội đã thoát được nghèo. Đáng chú ý là trong năm 2010, Hội Nông dân thị xã Tam Điệp đã phối hợp với Ngân hàng CSXH thị xã triển khai tập huấn thực hiện Văn bản 295/NHCS-TDNN ngày 22-2-2010 của Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH Việt Nam về việc huy động tiết kiệm thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn. Hội đã ký văn bản về công tác tổ chức chỉ đạo, triển khai huy động tiền gửi tiết kiệm với Ngân hàng CSXH và cùng tiến hành đánh giá phân loại, lựa chọn những tổ tiết kiệm hoạt động hiệu quả để ủy nhiệm việc huy động tiền gửi. Tổ chức tuyên truyền, tập huấn về nghiệp vụ huy động tiền gửi cho các tổ tiết kiệm và vay vốn. Cán bộ Ngân hàng tập trung hướng dẫn cho các tổ trưởng, tổ viên về quy trình thủ tục gửi, rút tiền; cách thức ghi phiếu theo dõi gửi tiền; bảng kê thu chi tiền gửi; sự biến động về số dư tiền gửi… Bên cạnh đó, cán bộ Ngân hàng còn trực tiếp làm mẫu theo kiểu "cầm tay, chỉ việc" cho các tổ trưởng và tổ viên trong quá trình huy động vốn. Những vướng mắc phát sinh trong ghi chép, thu, chi được giải đáp ngay cho các tổ trưởng và các tổ viên… Nhờ vậy mà đến nay, 74/74 tổ tiết kiệm và vay vốn của Hội Nông dân thị xã Tam Điệp đều đáp ứng được yêu cầu, có đủ điều kiện, năng lực để huy động vốn tại tổ và đã huy động được hơn 400 triệu đồng từ nguồn vốn nhàn rỗi của nhân dân.
Cũng theo đồng chí Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Tam Điệp, chủ trương huy động tiền gửi tiết kiệm thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn là chủ trương mới của Ngân hàng CSXH Việt Nam, nên cần có sự phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền, vận động. Với ý nghĩa giúp cho người nghèo tạo lập nguồn vốn của gia đình thông qua gửi tiết kiệm, "vừa ích nước, vừa lợi nhà", đồng thời từng bước tạo thói quen tiết kiệm gắn với trách nhiệm, hiệu quả về sử dụng vốn trong nhân dân, nhất là những hộ nghèo.
Đinh Chúc