Tạo việc làm, thành lập doanh nghiệp, trang trại và cơ sở sản xuất, kinh doanh; tham gia dạy nghề và giám sát tình hình thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 tại địa phương... Từ thực tiễn ở các địa phương cho thấy, công tác tuyên truyền, vận động nông dân tham gia học nghề được đặt lên hàng đầu là một bước đi hoàn toàn phù hợp và cần thiết. Theo chương trình, kế hoạch thực hiện Đề án, vừa qua, Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức 2 lớp dạy nghề thêu ren cho nông dân xã Gia Tân và Gia Trấn (Gia Viễn), mỗi lớp có 25 học viên. Trong quá trình từ rà soát, vận động đến tổ chức lớp học, cán bộ Hội đã nhận được nhiều ý kiến của hội viên trong vấn đề này. Nhiều nông dân chưa thực sự mặn mà với việc học nghề. Lý do rất đơn giản, hầu hết bà con chỉ thích làm ngày nào lấy tiền ngày ấy. Hơn nữa cũng còn một câu hỏi đặt ra đó là, cuộc sống trước mắt còn chưa dư giả, tiền đâu để đầu tư trong suốt thời gian học nghề mà học xong rồi thì làm ở đâu, tiêu thụ sản phẩm thế nào... Từ tâm lý đó dễ dẫn đến sự thụ động của người nông dân trong việc tìm kiếm các cơ hội học nghề và chuyển đổi hình thức lao động. Chính vì vậy, ngay từ đầu cán bộ Hội tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức học nghề và những lợi ích cơ bản từ học nghề qua các chính sách khuyến khích của Đề án, đào tạo nghề phải gắn với giải quyết việc làm. Đối tượng hướng tới của Đề án này là lao động nông thôn trong độ tuổi lao động, có trình độ học vấn và sức khỏe phù hợp với nghề cần học. Trong đó ưu tiên dạy nghề cho các đối tượng là người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập của hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người tàn tật, người bị thu hồi đất canh tác. Gần đây nhất, trong tháng 12-2010, Hội Nông dân tỉnh tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, tư vấn về nghề cho nông dân. Đối tượng tham gia là cán bộ Hội Nông dân cấp huyện và cơ sở. 100 học viên của lớp tập huấn này sẽ trở thành những tuyên truyền viên tích cực trực tiếp tham gia làm công tác tuyên truyền ở địa phương. Chương trình tập huấn cung cấp cho học viên một số phương pháp, kỹ năng trong công tác triển khai tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn; cẩm nang nông dân học nghề; tiếp cận với những văn bản quy định hướng dẫn về đào tạo nghề cho lao động nông thôn; công tác tuyên truyền học nghề, dạy nghề cho nông dân; những thông tin liên quan đến vấn đề vốn tạo nghiệp. Ngoài ra, lớp tập huấn cũng dành thời gian thảo luận về những vấn đề nêu trên từ những kinh nghiệm thực tế trong thời gian vừa qua ở địa phương mình.
Ông Phạm Văn Việng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Một trong những điểm mới của Đề án so với các chương trình dạy nghề trước đây là chuyển mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn từ đào tạo theo năng lực sẵn có của cơ sở đào tạo sang đào tạo theo nhu cầu học nghề của lao động và yêu cầu của thị trường. Bởi vậy, vấn đề kinh phí để hoàn thành tốt mục tiêu đó cần được tăng cường và phân bổ kịp thời. Thời gian qua, Hội Nông dân đã được tỉnh cấp 110 triệu đồng thực hiện Đề án. Nguồn kinh phí này đã được sử dụng trong công tác tuyên truyền, vận động và bước đầu mở một số lớp dạy nghề. Tuy nhiên, trong thời gian tới để tạo nên bước đột phá trong thực hiện Đề án, bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động thì việc mở rộng mạng lưới các lớp học nghề, các cơ sở làm nghề cần được đẩy mạnh hơn nữa. Bởi trên thực tế nhu cầu về học nghề và làm nghề của nông dân còn rất nhiều. Trong khi đó, năng lực đào tạo nghề của tổ chức Hội cũng còn nhiều khó khăn, đặc biệt là cơ sở vật chất và nguồn nhân lực (đa số phải thuê giáo viên từ đơn vị khác). Nếu không được đầu tư nâng cấp kịp thời sẽ khó đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới. Hội Nông dân mong muốn được tạo điều kiện chủ động hơn trong việc dạy nghề sau khi triển khai tuyên truyền, vận động.
Triển khai thực hiện Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án nêu trên, tỉnh ta đặt vấn mục tiêu đào tạo nghề cho 18.000 lượt người, trong đó tập trung cho 23 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, lao động bị thu hồi đất để xây dựng các khu công nghiệp, khu du lịch, nơi đô thị hóa nhanh, các làng nghề. Các nhóm nghề cần đào tạo là: các nghề phi nông nghiệp và các nghề làm nông nghiệp. Với mục tiêu đó, cần khuyến khích và tạo điều kiện để toàn xã hội tham gia, trong đó Hội Nông dân các cấp có vai trò quan trọng không chỉ riêng đối với công tác tuyên truyền, vận động.
Duy Hiền