Xác định tầm quan trọng của hội nhập kinh tế quốc tế, Ban hội nhập quốc tế tỉnh đã phối hợp với các đơn vị có liên quan tiếp tục triển khai, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền hội nhập kinh tế quốc tế. Trọng tâm là tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là trong lĩnh vực phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại, các làng nghề truyền thống; chương trình xây dựng nông thôn mới trong tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Bên cạnh đó, tỉnh đã phối hợp với các cơ quan Trung ương, các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài nước thực hiện nhiều chương trình quảng bá giới thiệu nét đẹp thiên nhiên và văn hóa Ninh Bình trên Đài Truyền hình Việt Nam, Báo Nhân Dân, Tạp chí Di sản thế giới UNESCO, kênh truyền hình Nhật Bản TBS, kênh truyền hình Mỹ CNN...
Tổ chức xuất bản các ấn phẩm, tài liệu tuyên truyền, quảng bá du lịch bằng nhiều ngôn ngữ như: Sách non nước Ninh Bình, bản đồ du lịch Ninh Bình, đĩa DVD phim du lịch, tờ rơi, tập gấp. In ấn cung cấp tài liệu phục vụ công tác xúc tiến đầu tư: Danh mục dự án ưu tiên thu hút và kêu gọi đầu tư giai đoạn 2016 - 2020 tỉnh Ninh Bình; các chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư tiềm năng thế mạnh của tỉnh; ấn phẩm "Cụm công nghiệp tỉnh Ninh Bình cơ hội đầu tư và phát triển bền vững", bộ ấn phẩm giới thiệu Quy hoạch chi tiết 10 cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh bằng tiếng Việt và tiếng Anh để quảng bá, giới thiệu tiềm năng của tỉnh đến các nhà đầu tư nước ngoài...
Ngoài ra còn tổ chức 2 hội nghị phổ biến quy tắc xuất xứ trong các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên; vấn đề tự do hóa thương mại đối với lĩnh vực hàng hóa trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế; cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập của Liên minh châu Âu, Na Uy, Thụy Sỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh.
Song song với công tác tuyên truyền, quảng bá tiềm năng, thế mạnh của Ninh Bình, UBND tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, phát triển sản xuất, kinh doanh trong tiến trình hội nhập. Trong đó phải kể đến việc tỉnh đã triển khai nhiều chương trình xúc tiến đầu tư với các nhà đầu tư tiềm năng Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan nhằm thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ngành sản xuất, lắp ráp ô tô, nông nghiệp công nghệ cao... Đồng thời tích cực vận động, thu hút và thực hiện các chương trình, dự án sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức ODA, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI.
Trong năm 2018, tỉnh đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới cho 3 dự án với tổng số vốn 40,965 triệu USD, tương đương khoảng 951 tỷ đồng; tiếp nhận 4 dự án NGOs với giá trị tài trợ 351.377 USD. Phê duyệt chủ trương đầu tư đối với 1 dự án sử dụng nguồn vốn ODA kết dư còn lại của các dự án đã thực hiện, với tổng mức đầu tư khoảng 756 triệu đồng. Trong 6 tháng đầu năm đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 23 dự án, tăng 10 dự án so với cùng kỳ năm 2018 với tổng mức đầu tư gần 3 nghìn tỷ đồng.
Thực hiện cấp điều chỉnh GCNĐT cho 28 dự án, tăng 7 dự án so với cùng kỳ. Nhiều dự án có vốn đầu tư nước ngoài đi vào sản xuất góp phần thúc đẩy sản xuất công nghiệp của tỉnh phát triển. Chỉ tính riêng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2019 đã đạt trên 32,7 nghìn tỷ đồng, tăng 31,3% so với cùng kỳ năm 2018. Tăng cường quảng bá, giới thiệu mặt hàng tiềm năng thông qua các website thương mại điện tử giúp các doanh nghiệp trong tỉnh tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu. Nhờ đó, hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng. Tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh 6 tháng đầu năm đạt trên 1 tỷ USD, tăng 40,5% so với cùng kỳ năm trước.
Trong xu thế hội nhập lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục được tái cơ cấu theo hướng phát triển sản xuất theo quy trình, tiêu chuẩn, nhu cầu thị trường giúp ổn định sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp. Nhờ đó, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản 6 tháng đầu năm 2019 đạt 4.924 tỷ đồng, tăng 2,7% so với cùng kỳ. Đến cuối năm 2018 toàn tỉnh có 90 xã, 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, 1 thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Đặc biệt tỉnh ta xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Chính vì vậy, Ninh Bình đã tập trung nguồn lực từng bước phát triển cơ sở hạ tầng tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tham quan của du khách, nhất là ở các khu du lịch trọng điểm. Tổng lượt khách tham quan du lịch trong 6 tháng đầu năm 2019 đạt trên 5,4 triệu lượt, tăng 2,4% so với cùng kỳ và đạt 72% kế hoạch năm, doanh thu du lịch đạt gần 2,4 nghìn tỷ đồng, tăng 23,09% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban hội nhập kinh tế quốc tế, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế, như: Nhận thức về vị trí, vai trò của hội nhập kinh tế quốc tế ở một số ngành, địa phương chưa sâu. Hiệu quả triển khai một số thỏa thuận hợp tác kinh tế quốc tế đã ký kết chưa phát huy được tiềm năng, lợi thế và mong muốn của các bên. Sản xuất nông nghiệp còn manh mún, phát triển thiếu bền vững. Môi trường đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, miền núi và các lĩnh vực văn hóa - xã hội chưa đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư. Năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn hạn chế...
Để đáp ứng được yêu cầu của quá trình toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, Ban hội nhập kinh tế quốc tế tỉnh cho biết sẽ triển khai công tác hỗ trợ đi vào chiều sâu để vừa phù hợp với các cam kết quốc tế, vừa đáp ứng được tình hình thực tế của doanh nghiệp trong tỉnh.
Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong toàn thể cơ quan và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về hội nhập kinh tế quốc tế. Cùng với đó, các cấp, ngành trong tỉnh cũng sẽ thực hiện có hiệu quả các giải pháp khuyến khích, đẩy mạnh xuất khẩu, tận dụng hiệu quả các cơ hội thị trường và các ưu đãi theo tinh thần các hiệp định thương mại tự do FTA mà Việt Nam đã ký kết với Liên minh kinh tế á- u, Hàn Quốc, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương... để thu hút các dự án đầu tư công nghiệp sạch, công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ có Kim ngạch xuất khẩu lớn. Chủ động xây dựng các chương trình, dự án kêu gọi đầu tư từ nguồn vốn ODA, FDI và kêu gọi tài trợ từ các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài.
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư, hải quan, thuế, đất đai, xuất nhập khẩu... giúp doanh nghiệp và người dân tiết kiệm tối đa thời gian và chi phí đi lại. Nâng cao hiệu quả các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, tạo động lực thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn.
Đi đôi với đó, tỉnh cũng sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá, giới thiệu nét văn hóa đa dạng, độc đáo, các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của tỉnh; tuyên truyền giới thiệu tiềm năng, cơ hội đầu tư vào du lịch Ninh Bình trên các phương tiện thông tin đại chúng và Trang thông tin điện tử du lịch Ninh Bình và thông qua các hoạt động, sự kiện lớn tổ chức tại Ninh Bình hưởng ứng Năm Du lịch Quốc gia 2019 đến bạn bè, du khách trong nước và quốc tế. Xây dựng kế hoạch đào tạo phát triển nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, ngoại ngữ phục vụ hoạt động hội nhập quốc tế.
Nguyễn Thơm