Ngày 2/8, đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị giao ban UBND tỉnh phiên thường kỳ tháng 8, đánh giá tình hình phát triển kinh tế-xã hội tháng 7, bàn phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm tháng 8.
Hội nghị UBND tỉnh phiên thường kỳ tháng 8
Cùng dự có các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh; Ủy viên UBND tỉnh; Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; các sở, ngành và địa phương.
Từ đầu năm đến nay, UBND tỉnh đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy tăng trưởng; chú trọng nâng cao năng lực nội tại và khơi thông các nguồn lực phát triển kinh tế; cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh định kỳ hàng tháng tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp để trực tiếp nghe phản ánh, kiến nghị xem xét giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Cả 3 lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ đều có bước tăng trưởng tốt. Lĩnh vực công nghiệp mặc dù khó khăn nhưng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh trong tháng vẫn đạt 9.286,7 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ; lũy kế 7 tháng đầu năm đạt trên 57.298 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch xuất khẩu tháng 7/2022 đạt 262,1 triệu USD.
Đặc biệt, hoạt động thương mại và dịch vụ trên địa bàn tỉnh tiếp tục phục hồi rất tích cực, tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 7 đạt gần 4,8 nghìn tỷ đồng, tăng 72,4% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong tháng, hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh phục hồi mạnh mẽ, lượng khách đến các điểm tham quan, du lịch và lưu trú, ăn uống tăng cao, đạt 363,8 nghìn lượt, gấp gần 6,3 lần so với cùng kỳ.
Nhờ linh hoạt trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tận dụng tốt các lĩnh vực còn dư địa, đặc biệt là thủy sản nên lĩnh vực nông nghiệp có được mức tăng trưởng ổn định trên 2%.
Thu ngân sách trên tất cả các lĩnh vực đều tăng cao hơn so với cùng kỳ năm 2021. Tổng thu 7 tháng đầu năm toàn tỉnh đạt gần 12.989,5 tỷ đồng, đạt 64,9% dự toán, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước. Theo dự báo, tỉnh hoàn toàn có thể đạt và vượt kế hoạch thu của cả năm.
Công tác thu hút đầu tư đạt kết quả tốt, chất lượng, quy mô các dự án đều cao hơn. Lũy kế 7 tháng đầu năm 2022, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lần đầu cho 13 dự án và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh cho 41 dự án; tổng vốn đăng ký (gồm cả đăng ký mới và điều chỉnh tăng thêm) là 5.041,6 tỷ đồng, tăng gấp 2,97 lần so với cùng kỳ.
Lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ. Nổi bật là ngành Giáo dục đã hoàn thành việc tuyển sinh vào lớp 10 THPT và tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp THPT an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. Ở kỳ thi tốt nghiệp THPT, điểm trung bình tất cả các bài thi của thí sinh tỉnh Ninh Bình là 6,98 điểm, xếp thứ 2 toàn quốc.
Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu cơ bản đồng tình với các báo cáo, đồng thời phân tích làm rõ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương trong thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội tháng 7, phương hướng trong tháng 8 và các tháng cuối năm.
Một số nội dung được các đại biểu đề cập sâu trong phần thảo luận là: Khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công; công tác quản lý nhà nước về xây dựng, tài nguyên, môi trường; hoạt động thu, chi ngân sách; vướng mắc trong giải phóng mặt bằng ở một số dự án quan trọng; kết quả xây dựng chính quyền số; tình hình phòng chống dịch bệnh, tiến độ tiêm phòng vắc xin COVID-19…
Kết luận hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc nhấn mạnh: Tháng 7, các cấp, các ngành, địa phương và nhân dân trong tỉnh đã nỗ lực rất cao. Do vậy, kinh tế có mức tăng trưởng tốt, đời sống nhân dân được đảm bảo, điều này đã được minh chứng qua các con số cụ thể.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận hội nghị.
Tuy nhiên, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng lưu ý một số vấn đề như: Việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 có thời điểm, có nơi còn chậm. Công tác phối hợp hỗ trợ cho các doanh nghiệp chưa được như mong đợi. Một số nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài tương đối lúng túng trong việc thực hiện một số thủ tục hành chính. Việc đầu tư kết cấu hạ tầng ở các cụm công nghiệp chưa hoàn chỉnh. Giải ngân vốn đầu tư công đang có dấu hiệu chững lại...
Về nhiệm vụ trọng tâm tháng 8 và các tháng cuối năm, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức triển khai, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nghị quyết của HĐND tỉnh tại kỳ họp thứ 7, phiên thường kỳ giữa năm 2022, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo đời sống sinh hoạt, an sinh xã hội của người dân.
Bên cạnh đó tập trung cao cho mục tiêu tăng trưởng, phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Ở lĩnh vực sản xuất công nghiệp, ưu tiên tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư, các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Nhiều dự án do tình hình kinh tế thế giới có sự thay đổi, nhà đầu tư có nhu cầu được điều chỉnh một số mặt hàng, nếu thấy phù hợp, đúng quy định thì các cơ quan có liên quan phải khẩn trương hỗ trợ các thủ tục để họ chuyển đổi.
Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công thương tập trung thống kê lại toàn bộ diện tích đất trống trong các khu, cụm công nghiệp để lập danh mục vị trí diện tích, tích chất làm cơ sở đẩy nhanh tiến độ thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, triển khai nhanh, sớm hoàn thành kết cấu hạ tầng của 2 cụm công nghiệp Mai Sơn mở rộng và Khánh Lợi để có dư địa sạch thu hút các nhà đầu tư theo đúng mục tiêu đề ra, phấn đấu có sản phẩm trong năm 2023. Tập trung quyết liệt xử lý các dự án chậm tiến độ. Đối với các dự án đầu tư công hiện nay đang gặp khó khăn liên quan đến giá vật liệu tăng cao, các chủ đầu tư phải chỉ đạo nhà thầu xây lắp không được thi công cầm chừng, chờ đợi giảm giá.
Về công tác giải phóng mặt bằng, quan điểm của tỉnh là các sở, ngành, địa phương phải phối hợp chặt chẽ để thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách cho các hộ dân chịu ảnh hưởng; xây dựng khu tái định cư phải đảm bảo tốt hơn khu ở cũ, trở thành những điểm khu dân cư văn hóa. Đối với các trường hợp cố tình chống đối trong quá trình giải phóng mặt bằng thì kiên quyết cưỡng chế.
Liên quan đến đầu tư công, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các ngành lựa chọn 30% số dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2022-2025, lập chủ trương và trình HĐND tỉnh quyết định trong năm 2022. Hai huyện Yên Khánh, Yên Mô quan tâm rà soát khái toán đưa ra giải pháp, phương án tối ưu để làm tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Thái Bình - Hải Phòng.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu: Chủ tịch UBND cấp huyện tập trung hoàn thành việc đấu giá quyền sử dụng đất. Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục Thuế tỉnh rà soát lại các hợp đồng thuê đất của các tổ chức, cá nhân để xem xét trách nhiệm của người sử dụng đất. Trường hợp nào không thực hiện nghĩa vụ của người sử dụng đất thì xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật...