Dự hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình có đồng chí Nguyễn Cao Sơn, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư và một số sở, ngành có liên quan.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 8 tháng đầu năm nay, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong vùng nên tình hình kinh tế - xã hội cơ bản ổn định.
Kinh tế có bước tăng trưởng nhẹ so với cả nước; Tổng thu NSNN trong khu vực đạt trên 356.000 tỷ đồng (chiếm 33,5% tổng thu cả nước, đạt gần 74% dự toán); Kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đạt 72 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ; Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện; Tổng vốn đầu tư FDI đăng ký của vùng đạt 5,8 tỷ USD, chiếm 30% cả nước.
Số doanh nghiệp thành lập mới là trên 26.200 doanh nghiệp; Chỉ số sản xuất công nghiệp của một số địa phương trong vùng tăng cao như Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Hà Nam… Các tỉnh đã chủ động phối hợp và liên kết tập trung vào một số lĩnh vực như phát triển hệ thống giao thông, phát triển du lịch, phối hợp, đào tạo nguồn nhân lực….
Về lĩnh vực đầu tư công, các địa phương trong vùng Trung du, miền núi phía Bắc và đồng bằng sông Hồng xác định việc thực hiện kế hoạch đầu tư công là nhiệm vụ quan trọng và đã tập trung ưu tiên các nguồn lực để thực hiện dự án.
Việc giao vốn được thực hiện theo đúng các nguyên tắc phân bổ vốn quy định tại Luật Đầu tư công năm 2019 và các văn bản hướng dẫn, đảm bảo không để nợ đọng xây dựng cơ bản. Tỷ lệ giải ngân của vùng đồng bằng sông Hồng trong 8 tháng qua ước đạt 52,9%, cao hơn mức bình quân chung của cả nước là 42,9%.
Kết quả này cho thấy các địa phương trong vùng đã tích cực, cố gắng thúc đẩy giải ngân đạt kết quả cao theo quy định của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, phấn đấu hoàn thành giải ngân các dự án còn lại trong năm 2021.
Một số địa phương có tốc độ giải ngân cao nằm trong top đầu cả nước như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình và Hà Nam. Bên cạnh đó, các địa phương đã quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng để bàn giao mặt bằng sạch cho các dự án kịp thời triển khai theo đúng tiến độ đã phê duyệt. Thường xuyên theo dõi, kiểm điểm tiến độ thực hiện kế hoạch đầu tư công hàng tháng, kịp thời báo cáo vướng mắc khó khăn và đề xuất các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.
Về phía tỉnh Ninh Bình, Từ đầu năm đến nay, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã bám sát sự chỉ đạo của Chính phủ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, phát huy dân chủ, thực hiện đồng bộ các giải pháp triển khai mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Kết quả: công nghiệp từng bước được tháo gỡ khó khăn, lũy kế 8 tháng đầu năm đạt trên 62.000 tỷ đồng, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước; nông nghiệp được mùa, phong trào xây dựng NTM được quan tâm; an sinh xã hội được đảm bảo.
Tổng vốn đầu tư công do địa phương quản lý nguồn ngân sách Nhà nước đã giao là trên 3.157 tỷ đồng, số vốn đã giải ngân 8 tháng đầu năm đạt trên 1.800 tỷ đồng, bằng 57,5% kế hoạch vốn. Công tác giao và thông báo kế hoạch vốn đầu tư công cho các đơn vị cấp dưới được triển khai kịp thời, theo đúng quy định. Các chủ đầu tư đã tập trung hoàn thiện thủ tục, giải quyết các khó khăn về giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công, nghiệm thu thanh toán khối lượng hoàn thành. Qua đó, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt kết quả tích cực.
Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định: Trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 việc đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 3,5 - 4% trong năm 2022 đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là các địa phương. Do đó, các địa phương cần nhận thức một cách đầy đủ, có định hướng, phù hợp với tình hình thực tế cũng như xu hướng của thế giới hiện nay.
Về nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, bên cạnh các giải pháp thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch COVID-19, đảm bảo an sinh xã hội cũng như sản xuất, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh việc khẩn trương nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm xây dựng Chương trình phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 có ý nghĩa hết sức quan trọng và cấp thiết, cần đảm bảo có thể triển khai ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát, trong đó tập trung phục hồi các ngành, lĩnh vực trọng tâm của địa phương và vùng.
"Các địa phương cần chú trọng đánh giá toàn diện, làm rõ các nguyên nhân chủ quan, khách quan và các giải pháp về vấn đề liên kết vùng và quy hoạch vùng. Bởi lẽ, nếu vấn đề này được làm tốt, các địa phương sẽ tận dụng được các tiềm năng, lợi thế sẵn có và hạn chế việc triệt tiêu động lực của các địa phương với nhau", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị.
Phát biểu kết luận hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Cao Sơn nhấn mạnh, chỉ còn một quý nữa là kết thúc năm 2021, trong khi khối lượng công việc còn nhiều, đề nghị các sở, ngành rà soát lại hệ thống các chỉ tiêu phát triển của ngành mình, nội dung đánh giá nêu rõ các công việc đã triển khai, kết quả đạt được 8 tháng và ước cả năm những khó khăn, hạn chế, nguyên nhân khách quan, chủ quan để có biện pháp khắc phục.
Tập trung đôn đốc, hướng dẫn các địa phương giải ngân vốn đầu tư công. Trong công tác quy hoạch và thực hiện các mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội đề nghị các ngành, các cấp phối hợp chặt chẽ với Sở Kế hoạch và Đầu tư
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị: Đối với việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, phải được xây dựng trên cơ sở đánh giá đầy đủ, chính xác tình hình và kết quả thực hiện năm 2021 và dự báo tình hình trong nước, thế giới và khu vực trong giai đoạn tới tác động, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Mục tiêu phát triển của kế hoạch năm 2022 phải phù hợp, bám sát các nghị quyết, chủ trương của Trung ương và của tỉnh; đồng thời chỉ ra các giải pháp chi tiết, cụ thể và đặt ra các tình huống dự báo trong việc xây dựng kế hoạch năm 2022. Đồng chí cũng yêu cầu các ngành cần sớm lựa chọn công trình, phần việc để có hoạt động chào mừng kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh.
Nguyễn Thơm - Anh Tuấn