Theo Bộ NN&PTNT, 6 tháng đầu năm, Bộ đã chỉ đạo hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản. Công tác tuyên truyền được chú trọng; công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm được tăng cường. Các tỉnh, thành phố đã triển khai lấy gần 22 nghìn mẫu nông lâm thủy sản trong đó phát hiện 570 mẫu vi phạm các chỉ tiêu vi sinh vật và hóa chất, kháng sinh (chiếm 2,62%); lấy 702 mẫu vật tư nông nghiệp, tổng mẫu vi phạm về tiêu chuẩn công bố là 112 mẫu chiếm gần 16%.
Kiểm tra, phân loại đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm, thủy sản và vật tư nông nghiệp cho thấy số cơ sở vật tư nông nghiệp xếp loại C được tái kiểm thấp; tỷ lệ các cơ sở nâng lên hạng A, B rất thấp. Hầu hết các tỉnh chưa có biện pháp xử lý các cơ sở xếp loại C sau 2 lần kiểm tra; chưa công khai các cơ sở xếp loại A,B,C trên phương tiện thông tin đại chúng.
Đối với công tác quản lý chất lượng ATTP nông lâm thủy sản nhập khẩu đã được thực hiện bài bản, đi vào nề nếp, theo thông lệ quốc tế; giải quyết hiệu quả, kịp thời các rào cản kỹ thuật ATTP của các thị trường nhập khẩu, duy trì ổn định hoạt động xuất khẩu NLTS tại các thị trường truyền thống và khai thông một số thị trường mới…
Tại Ninh Bình, 6 tháng đầu năm, tỉnh đã tổ chức được 8 lớp tập huấn, phổ biến các kiến thức, văn bản quy phạm pháp luật về quản lý an toàn thực phẩm; 2 lớp kiến thức về chăn nuôi an toàn, an toàn sinh học trong chăn nuôi cho gần 800 người dân, người sản xuất, kinh doanh, 6 lớp tập huấn về bảo quản sản phẩm khai thác trên tàu cá cho 360 người dân vùng ven biển Kim Sơn.
Tiến hành kiểm tra 20 hộ nông dân sử dụng thuốc BVTV trên rau trong đó có 10 hộ vi phạm. Đánh giá, phân loại điều kiện đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm tại 59 lượt cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản và vật tư nông nghiệp trên địa bàn, kết quả 2 cơ sở xếp loại A, 50 cơ sở xếp loại B, 7 cơ sở ngừng hoạt động.
Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đánh giá thời gian qua ngành nông nghiệp và các địa phương đã có nhiều nỗ lực trong kiểm soát an toàn nông, lâm, thủy sản và chất lượng vật tư nông nghiệp nhưng nhìn chung chuyển biến về chất lượng còn chậm.
Bộ trưởng yêu cầu các cơ quan chuyên môn của Bộ, các địa phương cần thực hiện tốt một số nội dung sau: triển khai trên diện rộng và thực chất thông tư số 14/2011/TT-BNN&PTNT thực hiện việc công khai kết quả đánh giá, phân loại; tổ chức tái kiểm tra cơ sở sản xuất xếp loại C và xử lý kiên quyết theo quy định đối với các cơ sở không chịu khắc phục lỗi; mỗi địa phương cần chọn 1-2 sản phẩm nông, lâm, thủy sản có nguy cơ cao về mất vệ sinh an toàn thực phẩm để chỉ đạo tạo ra chuyển biến rõ nét về sản phẩm đó (bao gồm xác định vùng, gói kỹ thuật sản xuất an toàn để phổ biến cho nhân dân, tổ chức liên kết để tiêu thụ và có chính sách để hỗ trợ, khuyến khích nhân dân tham gia).
Thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ công an, bộ Công thương để đấu tranh chống buôn lậu, xử lý triệt để nạn hàng giả, hàng lậu đặc biệt đối với mặt hàng thuốc BVTV; triển khai thanh tra trên diện rộng đối với 3 lĩnh vực thuốc BVTV, thức ăn chăn nuôi và các chất kích thích sinh trưởng đồng thời gấp rút hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm.
Hà Phương-Đức Lam