Sáng 9/4, Bộ NN&PTNT đã tổ chức hội nghị trực tuyến về hội nhập kinh tế quốc tế với 63 tỉnh, thành trong cả nước. Tại đầu cầu Hà Nội, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát chủ trì với sự tham dự của đại diện lãnh đạo các Bộ: Tài chính, Công Thương, KHCN, KH&ĐT... Tại điểm cầu Ninh Bình, đồng chí Đinh Chung Phụng, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở: NN&PTNT, công Thương, Tài Chính, KH&ĐT, Văn phòng UBND tỉnh, một số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực Nông nghiệp, nông thôn... dự hội nghị.
Hội nghị nghe báo cáo công tác Hội nhập kinh tế quốc tế ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; tình hình thực hiện kế hoạch tháng 3, quý I và các nhiệm vụ chủ yếu từ nay đến cuối năm; dự thảo "Chiến lược Hội nhập kinh tế quốc tế của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đến năm 2030".
Hội nghị cũng đã dành nhiều thời gian cho đại biểu ở các tỉnh , thành và nhất là đại biểu thuộc các doanh nghiệp đang đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn phát biểu ý kiến. Nhìn chung các đại biểu đều cho rằng: Hội nhập kinh tế thế giới là điều tất yếu và cần thiết; những cơ hội và thách thức khi hội nhập; cơ chế, chính sách khi hội nhập; thế mạnh và mặt yếu của hàng nông sản Việt Nam đối với thế giới...
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng: Đây là hội nghị cần thiết, nhất là khi trong một vài năm tới Việt Nam sẽ thực hiện đầy đủ các cam kết với các nước trên thế giới. Khi hội nhập có cả thuận lợi và khó khăn, cần phải tận dụng tối đa thời cơ và cơ hội; hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro, thách thức. Mở cửa hội nhập với Quốc tế nhưng cũng phải đảm bảo tốt cho thị trường trong nước đầy tiềm năng với hơn 90 triệu dân.
Thực hiện hội nhập ở nhiều cấp độ với các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân cùng vào cuộc. Việc hội nhập của nền kinh tế nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng phải được tuyên truyền sâu rộng hơn nữa; Bộ sẽ tiếp tục triển khai về công tác thông tin hội nhập này dưới nhiều hình thức khác nhau cho các địa phương, doanh nghiệp và nhân dân được biết.
Bộ trưởng cũng lưu ý: Để ngành nông nghiệp tăng trưởng trong thời gian tới, trước hết phải tập trung tháo gỡ khó khăn về thị trường; tập trung sản xuất ở những ngành, lĩnh vực có thị trường theo quy hoạch và kế hoạch. Sản xuất lúa gạo tập trung vào khâu giống; tăng sản lượng cây điều, ngô; thủy sản không phát triển ồ ạt, chú ý đến phát triển bền vững; chăn nuôi tăng chất lượng và giảm giá thành bằng việc cải thiện chất lượng giống, giám sát nguồn thức ăn và đảm bảo công tác thú y; hỗ trợ mạnh cho các doanh nghiệp đã và đang cũng như sắp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Đinh Chúc