Tham dự tại đầu cầu Ninh Bình có lãnh đạo Sở NN&PTNT và đại diện một số sở ngành; lãnh đạo UBND các huyện, thành phố.
Những năm gần đây, ngành chăn nuôi Việt Nam có sự phát triển mạnh với mức tăng trưởng trung bình từ 5-6%/năm. Sản lượng các loại thịt tăng 3 lần (từ 1,6 triệu lên 5,3 triệu tấn), trứng tăng 4 lần (từ 3 tỷ quả lên 11,8 tỷ quả), các sản phẩm sữa tươi tăng 14 lần, thức ăn công nghiệp tăng gần 5 lần. Riêng chăn nuôi lợn, năm 2017 Việt Nam đứng thứ 7 thế giới về số lượng đầu con xuất chuồng và đứng thứ sáu thế giới về sản lượng thịt.
Bên cạnh những điều kiện thuận lợi, ngành chăn nuôi vẫn đang đứng trước nhiều thách thức, đặc biệt là vấn đề dịch bệnh. Mặc dù, 8 tháng đầu năm, trên phạm vi toàn quốc, tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi tương đối ổn định, cả nước chỉ có 4 ổ dịch cúm gia cầm, 9 ổ dịch lở mồm long móng, 1 ổ dịch tai xanh.
Nhưng theo nhận định của ngành nông nghiệp, từ nay đến cuối năm, thời tiết chuyển mùa, việc tiêu thụ, vận chuyển gia súc, gia cầm tăng mạnh, dịch bệnh rất dễ phát sinh. Đặc biệt, hiện nay, dịch tả lợn châu Phi đang hoành hành tại Trung Quốc và có khả năng lây lan sang Việt Nam.
Tại hội nghị, đại diện tổ chức Nông nghiệp và Lương thực của Liên hợp quốc (FAO) thông tin: Bệnh dịch tả lợn châu Phi (tên viết tắt tiếng Anh là ASF) là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi và mọi loại lợn. Khả năng tồn tại của virus dịch tả lợn Châu Phi cao hơn nhiều so với vius gây cúm hoặc lợn tai xanh. Bệnh gây thiệt hại nghiêm trọng với tỷ lệ chết 100%.
Người đại diện FAO khuyến cáo, Việt Nam cần sớm xây dựng kế hoạch ứng phó khẩn cấp với dịch bệnh này, người chăn nuôi phải thực hành chăn nuôi an toàn sinh học, không cho lợn ăn thức ăn thừa, không sử dụng chung bơm kim tiêm cho đàn lợn.
Chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: ngành chăn nuôi thời gian qua đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đóng góp phần quan trọng vào tăng trưởng của ngành nông nghiệp cũng như nền kinh tế nói chung. Nếu để dịch bệnh lây lan, hậu quả sẽ gây thiệt hại vô cùng lớn.
Phó Thủ tướng yêu cầu các ngành, các địa phương phải hành động quyết liệt, không được chủ quan với dịch bệnh. Cần nắm bắt thông tin chính xác, kịp thời cung cấp cho địa phương, người dân và hộ chăn nuôi, từ đó tổ chức các biện pháp hành động. Giám sát chặt chẽ, không để lây nhiễm qua đường biên giới. Nghiêm cấm buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm không rõ nguồn gốc, nhập lậu.
Tại Ninh Bình, từ đầu năm đến nay, tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm tương đối ổn định, chỉ có vài ổ dịch lẻ tẻ ở một số hộ dân nhưng đã nhanh chóng được khống chế, xử lý. Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh, hiện Sở NN&PTNT tỉnh đang khẩn trương xây dựng kế hoạch tiêm phòng, tăng cường giám sát dịch bệnh. Tổ chức lấy mẫu giám sát chủ động sự lưu hành của virut gây bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm. Và từ ngày 20/9 đến ngày 20/10 sẽ tổ chức đợt khử trùng tiêu độc trên phạm vi toàn tỉnh.
Hà Phương- Anh Tuấn