Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng và Thủy văn Trung ương, vào hồi 4 giờ ngày 18/8, vị trí tâm bão số 3 ở vào khoảng 20,8 độ vĩ Bắc, 112 độ kinh Đông, trên vùng biển phía Tây Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) với sức gió mạnh nhất ở vùng gần trung tâm bão là cấp 8, giật cấp 10 đến cấp 11 với di chuyển chủ yếu hướng Tây.
Dự báo sau khi đi vào biển Đông bão sẽ mạnh lên và chủ yếu vẫn di chuyển theo hướng Tây, đến 4 giờ ngày 19/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,5 độ vĩ Bắc, 108,6 độ kinh Đông, trên vùng biển Bắc bộ với sức gió vùng gần tâm bão cấp 9 đến cấp 10, giật cấp 12 đến cấp 14. Như vây bão số 3 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta với phạm vi ảnh hưởng rộng (khoảng 200 km) từ Quảng Ninh đến Nghệ An, Hà Tĩnh và vùng nguy hiểm được xác định là từ bắc vĩ tuyến 17 trở ra.
Đây là cơn bão mạnh, đi kèm với nó là lượng mưa (khoảng 200-300 mm), diễn biến phức tạp, khả năng đổ bộ vào nước ta trong lúc triều cường, các tỉnh phía Bắc lại mới bị ảnh hưởng của bão số 1 và số 2...nên tiềm ẩn nguy cơ gây thiệt hại cao.
Hội nghị đã nghe ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương về diễn biến của bão, hướng di chuyển, thời gian đổ bộ vào nước ta; công tác chuẩn bị đối phó...
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao công tác chuẩn bị ứng phó của các Bộ, ngành và các địa phương; đồng thời cũng yêu cầu: Bộ Tài nguyên&Môi trường chỉ đạo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia theo dõi sát bão, dự báo, cảnh báo chính xác hướng đi, cấp bão và cung cấp thông tin kịp thời cho các cơ quan thông tin đại chúng, các cơ quan liên quan và nhân dân biết để chủ động đối phó.
Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo chí tăng thời lượng phát sóng về dự báo, cảnh báo, công tác chỉ đạo, công tác chuẩn bị ứng phó với bão. Bộ Nông nghiệp&PTNT chỉ đạo ngành Thủy sản phối hợp với Bộ đội Biên phòng, chính quyền địa phương rà soát lại tàu thuyền hoạt động trên sông, biển, thông báo kêu gọi kịp thời vào bờ hoặc nơi trú ẩn an toàn; rà soát, đảm bảo an toàn cho các công trình dự án phòng chống bão lũ, nhất là các công trình trên đê biển, đảm bảo an toàn cho các hồ đập; chủ động tiêu nước đệm trong đồng, chống ngập úng cho lúa mùa; tuần tra canh gác đê, nhất là các vị trí xung yếu, trọng điểm.
Bộ Công Thương triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho hệ thống lưới điện; hầm lò, mỏ; chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm thiết yếu cần thiết. Bộ Xây dựng có biện pháp đảm bảo cho các công trình đang xây dựng, các tháp cao. Bộ Giao Thông và Vận tải đảm bảo an toàn cho các tàu thuyền trên sông, biển; an toàn nơi neo đậu của các tàu thuyền vào trách trú bão; bảo vệ các tuyến giao thông chính và khắc phục nhanh sự cố nếu có.
Bộ Công an kiểm soát hoạt động giao thông ở những tuyến chính, hướng dẫn giao thông an toàn, trách ùn tắc. Ủy ban Quốc gia TKCN và Bộ Quốc phòng chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiên, vật tư ứng cứu khi cần; bố trí lực lượng, phương tiện ứng trực ở vị trí trọng điểm, xung yếu.
Các bộ, ngành khác theo chức năng nhiệm vụ của mình chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện tốt nhất cho công tác phòng chống bão số 3. UBND các tỉnh, thành phố theo dõi chặt diễn biến của bão để chủ động ứng phó; chủ động bảo vệ các công trình trên địa bàn, cắt tỉa cây xanh, chống úng cho lúa mùa và khu vực đô thị; tùy tình hình cụ thể mà có thể cho học sinh nghỉ học.
Tại điểm cầu Ninh Bình, đồng chí Đinh Chung Phụng, TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Phó trưởng Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cũng cho rằng: Bão số 3 có chiều hướng ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh ta, do đó không được chủ quan, coi thường; các cấp, các ngành cần phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, quyết liệt trong công tác phòng, chống bão để giảm đến mức thấp nhất thiệt hại nếu bão vào Ninh Bình.
Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND cũng yêu cầu: Kim Sơn tập trung di dời dân ngoài đê Bình Minh 3 vào nơi an toàn xong trước 15 giờ ngày 18/8; kêu gọi xong tàu thuyền vào bờ tránh trú bão ( đến thời điểm 11giờ ngày 18/8 còn 56 tầu thuyền ) xong trước 18 giờ ngày 18/8. Vùng Nho Quan, Gia Viễn, Tam Điệp chú ý đến các vị trí có khả năng sạt lở đất, vùng trũng, lòng hồ có khả năng ngập lụt; chủ động phòng, chống lũ trên các sông Hoàng Long, Bôi, Lạng; kiểm tra lại hệ thống vận hành tràn Lạc Khoái.
Các khu, cụm công nghiệp đảm bảo an toàn cho các nhà xưởng, công trình đang xây dựng và chống ngập úng trong khu vực. Chi cục thủy lợi đảm bảo an toàn cho các cống, đập trên đê. Sở Thông tin và Truyền thông đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt, phục vụ cho công tác chỉ huy và phòng, chống bão.
Ngành Điện đảm bảo điện đầy đủ và an toàn trước, trong và sau bão. Giao thông chủ động kiểm tra, giải tỏa ách tắc giao thông nhất là khi có bão vào. Lực lượng Công an, Quân đội chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện hỗ trợ các địa phương khi cần.
Đinh Chúc - Đức Lam