Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Ninh Bình có lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Y tế và một số đơn vị trực thuộc.
Báo cáo tại hội nghị, Bộ Nông nghiệp và PTNT cho biết: Trong giai đoạn 2017-2021, có 41 tỉnh, thành phố báo cáo phát hiện và xử lý tổng cộng 15.082 con chó (chiếm khoảng 0,04 tổng đàn) và 06 con bò, bê nghi mắc bệnh dại; trung bình mỗi năm xử lý 3.016 con vật, dao động từ 1.294 con ( năm 2021) đến 3.979 con (năm 2019).
Cả nước có 35 tỉnh, thành phố tổ chức lấy mẫu giám sát, xét nghiệm bệnh dại với tổng số 2.068 mẫu được xét nghiệm, trong đó có 227 (10,98%) mẫu dương tính với vi rút dại. Đây là các mẫu bệnh phẩm được lấy từ chó nghi mắc bệnh dại nên tỷ lệ dương tính là khá cao.
Về tình hình bệnh dại ở người, trong giai đoạn 2017 - tháng 8/2021, cả nước ghi nhận 378 người tử vong vì bệnh dại tại 52/63 tỉnh, thành phố; trung bình mỗi năm có 76 người tử vong, giảm 15% so với giai đoạn 2012-2016 (438 người tử vong tại 48 tỉnh, thành phố, trung bình mỗi năm có 88 người tử vong).
Tại Ninh Bình, trong giai đoạn 2017-2021, mỗi năm trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có trên 80.000 hộ nuôi chó, mèo với tổng đàn khoảng 100.000 con. Số lượng lớn chó, mèo nuôi chưa được kê khai, đăng ký với chính quyền địa phương, phương thức nuôi chủ yếu để trông giữ nhà hoặc nuôi để làm thực phẩm, chó mèo được nuôi chủ yếu và có số lượng lớn nhất ở vùng nông thôn.
Về tình hình bệnh dại trong giai đoạn 2017-2021, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận có 3 ổ dịch với 10 con chó mắc bệnh, nghi mắc bệnh dại. Dịch bệnh đã làm 2 người tử vong do bị chó dại cắn.
Để đạt được mục tiêu chung kiểm soát được bệnh dại trên đàn chó, mèo nuôi và phấn đấu không có người tử vong vì bệnh dại vào năm 2030, nhiều giải pháp kỹ thuật và quản lý cũng đã được đưa ra, trong đó truyền thông nâng cao nhận thức, tăng cường quản lý, đẩy mạnh tiêm phòng vắc xin và chủ động định kỳ lấy mẫu giám sát vẫn là mấu chốt để thực hiện thành công chương trình.
Trong giai đoạn 2022-2030, Ninh Bình phấn đấu từng bước khống chế bệnh dại trên đàn chó, mèo, xây dựng cơ sở, vùng an toàn đối với bệnh dại trên đàn chó nuôi và tiến tới loại trừ bệnh dại trên địa bàn tỉnh. Triển khai xây dựng thành công cơ sở, vùng an toàn đối với bệnh dại, trong đó tập trung tại một số huyện, thành phố có du lịch phát triển.
Cũng tại hội nghị, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống bệnh dại (28/9).
Hồng Nhung