Dự hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình có đồng chí Phạm Quang Ngọc, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo Sở NN và PTNT, Sở Công thương, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Thông tin và Truyền thông Văn phòng UBND tỉnh; một số doanh nghiệp tham gia hoạt động trong lĩnh vực chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh.
Báo cáo tóm tắt kết quả công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: Trong 10 năm trở lại đây cơ giới hóa nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản của nước ta đã có những bước phát triển đáng kể. Hình thành và phát triển hệ thống công nghiệp chế biến bảo quản nông sản có công suất thiết kế chế biến khoảng 120 triệu tấn nguyên liệu nông sản/năm với trên 7.500 cơ sở quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu và hàng vạn cơ sở chế biến nông sản nhỏ, lẻ, hộ gia đình.
Công nghệ chế biến nông sản Việt Nam đã đạt mức độ trung bình của thế giới. Sự phát triển của công nghiệp chế biến nông sản đã góp phần làm chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế khu vực nông thôn, xây dựng nông thôn mới và thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu của ngành nông nghiệp, đóng góp quan trọng nâng cao kim ngạch xuất khẩu nông sản.
Cơ giới hóa trong nông nghiệp ngày càng được áp dụng rộng rãi trong nhiều khâu của chuỗi sản xuất nông nghiệp. Năm 2019 so với năm 2011 số lượng máy kéo cả nước tăng khoảng 48%, máy gặt đập liên hợp tăng 79%, máy sấy nông sản tăng 29%. Đến nay, trang bị động lực bình quân trong sản xuất nông nghiệp cả nước đạt khoảng 2,4 mã lực/01ha canh tác. Nhờ đó, đã nâng cao năng suất và giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp, tạo tiền đề quan trọng để xây dựng nền nông nghiệp hiện đại.
Tại Ninh Bình, trên địa bàn tỉnh có 9 doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông sản theo hình thức công nghiệp với các sản phẩm chủ yếu gồm gạo, rau, quả, nấm. Sản lượng nông sản được thu mua, chế biến chiếm khoảng 5-10% tổng sản lượng nông sản của tỉnh. Cơ giới hóa ở tỉnh ta mới tập trung chủ yếu ở lĩnh vực trồng trọt. Đối với cây lúa, tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất đạt trên 97%; khâu gieo cấy còn thấp chỉ đạt 5%; khâu chăm sóc đạt 55%; thu hoạch chiếm 86%. Các lĩnh vực khác như chăn nuôi, thủy sản, cơ giới hóa chủ yếu ở công đoạn uống nước, cho ăn, một phần giết mổ, sơ chế. Còn lại cơ bản vẫn làm thủ công.
Hội nghị đã nghe đại biểu các bộ, ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp tham luận, phát biểu ý kiến chủ yếu tập trung vào đánh giá những kết quả đạt được nhất là những cách làm mới, cách làm hay, phân tích sâu những khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp, cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp trong thời gian tới.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh và đánh giá cao những thành tựu vượt bậc của ngành nông nghiệp trong những năm qua. Thủ tướng cũng cho rằng ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn còn dư địa rất lớn. Lãng phí và thất thoát lớn trong nông nghiệp vẫn còn cao do các khâu chế biến, thu hoạch, bảo quản.
Cơ giới hóa còn thấp, thấp hơn cả Thái Lan... Do vậy, Thủ tướng đề nghị các địa phương, doanh nghiệp, các bộ, ngành cần lắng nghe, tiếp thu, vận dụng phù hợp, tháo gỡ, tạo điều kiện cho hộ nông dân, HTX, doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận nhiều hơn nữa về cơ giới hóa và đẩy mạnh chế biến nhằm đón thời cơ mới.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc đẩy mạnh xuất khẩu nông sản tươi là rất cần thiết, nhưng chế biến sâu càng quan trọng hơn nhằm gia tăng giá trị, tạo điều kiện cho việc phát triển và mở rộng thị trường xuất khẩu, hạn chế tối đa việc được mùa rớt giá.
Việc cơ giới hóa được xem là khâu quan trọng để chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông nghiệp - nông thôn và tái cơ cấu nông nghiệp, do vậy Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước sớm nghiên cứu chính sách hỗ trợ, kéo dài thời gian vay, giảm lãi suất.
Ngay sau hội nghị này, Thủ tướng đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trì, cùng các bộ, ngành sớm nghiên cứu, soạn thảo và trình Thủ tướng chỉ thị về chiến lược phát triển công nghiệp chế biến và cơ giới hóa nông nghiệp đến năm 2030, nghị định về chính sách cho công nghiệp chế biến và cơ giới hóa trong nông nghiệp...
Kết thúc hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình, đồng chí Phạm Quang Ngọc, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành, địa phương của tỉnh tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời lựa chọn các cơ quan, đơn vị phối hợp triển khai hỗ trợ các mô hình, doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 39 của HĐND tỉnh quy định về chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hình thức tổ chức sản xuất tiên tiến, bền vững trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2019 - 2020, nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến và cơ giới hóa trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Hồng Giang - Anh Tuấn