Dự hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình có: lãnh đạo Sở Lao động,Thương binh và Xã hội; Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn; đại điện phòng Lao động,Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố; đại diện các cơ quan, đơn vị Bảo hiểm xã hội; Ngân hàng Chính sách xã hội; Kho bạc Nhà nước...
Báo cáo sơ kết công tác 6 tháng đầu năm do Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Tiến Dũng đánh giá: trong 6 tháng đầu năm 2020, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội chịu ảnh hưởng không nhỏ của dịch bệnh COVID-19, với tỷ lệ tham gia lực lượng lao động thấp kỷ lục, tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm tăng cao đã ảnh hưởng lớn đến đến việc đảm bảo an sinh xã hội, đời sống nhân dân.
Tính cho tới tháng 6, Việt Nam có 30,8 triệu lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19 và trong đó số người bị giảm thu nhập chiếm 57,3%. Thu nhập bình quân tháng của người lao động trong quý II giảm còn 5,2 triệu đồng (giảm 525 nghìn đồng so với quý I và 279 nghìn đồng so với cùng kỳ) năm 2019.
Trong số lao động bị ảnh hưởng có 897.500 người thất nghiệp và 1,2 triệu người nằm ngoài lực lượng lao động. Trong bối cảnh khó khăn chung đó, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội đã tập trung ưu tiên cho công tác phòng, chống dịch; đồng thời có giải pháp để thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhất là các giải pháp hỗ trợ người lao động, cung ứng lao động cho doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; thực hiện tốt công tác đảm bảo an sinh xã hội.
Tính đến ngày 13/7, Kho bạc Nhà nước đã giải ngân 11.593,816 tỷ đồng để thực hiện việc hỗ trợ cho 11.539,858 người và hộ kinh doanh trong đó bao gồm các đối tượng như: người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo, người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, người bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc...
Trước tình hình trên, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã đề ra các nhiệm vụ trọng tâm để toàn ngành thực hiện trong 6 tháng cuối năm.
Trong đó, tập trung hoàn thành chương trình công tác năm 2020 của Bộ; đặc biệt là Dự án luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi), các văn bản hướng dẫn, quy định chi tiết thi hành Luật Lao động; các địa phương tăng cường các giải pháp đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ người lao động trong doanh nghiệp, người lao động có giao kết hợp đồng lao động; triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, đảm bảo doanh nghiệp duy trì hoạt động, tránh sa thải hàng loạt lao động, hoặc ngừng hoạt động, phá sản; đẩy nhanh tiến độ và đảm bảo hoàn thành giải ngân 100% kinh phí thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia, chương trình mục tiêu và dự án đầu tư công của ngành.
Đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Bộ; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, chủ động cung cấp và tiếp nhận thông tin, nhất là thông tin thuộc các lĩnh vực của ngành theo hướng công khai, minh bạch, kịp thời và hiệu quả, tạo được sự đồng thuận cao của toàn xã hội trong thực hiện các chính sách, pháp luật về về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội...
Mai Phương - Minh Đường