Hội nghị trực tuyến toàn quốc về kết quả thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia 6 tháng đầu năm 2022
Thứ Sáu, 29/07/2022, 02:45
Zalo
Sáng 29/7, đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) chủ trì hội nghị trực tuyến với các địa phương về kết quả thực hiện các chương trình MTQG 6 tháng đầu năm; giải pháp thực hiện 6 tháng cuối năm 2022.
Hội nghị trực tuyến toàn quốc về kết quả thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia 6 tháng đầu năm 2022
Cùng dự có các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình MTQG, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành và Ban Chỉ đạo các tỉnh, thành phố tham dự cuộc họp trực tuyến ở 63 điểm cầu.
Dự và chủ trì tại điểm cầu tỉnh Ninh Bình có đồng chí Trần Song Tùng, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban chỉ đạo tỉnh; đại diện các sở, ban, ngành trong tỉnh.
6 tháng đầu năm 2022, các bộ, ngành, cơ quan có liên quan đã tích cực tham mưu, xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách và ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện các Chương trình MTQG, đã cơ bản bám sát tiến độ thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Giai đoạn này, có 3 Chương trình MTQG được thực hiện gồm: Xây dựng nông thôn mới (NTM); Xóa đói giảm nghèo bền vững; Phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025, dự toán ngân sách Trung ương năm 2022 cho các bộ, cơ quan và địa phương thực hiện.
Cụ thể, tổng số vốn đã giao đạt trên 92.057 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2015, chiếm 92,06% tổng vốn cho các địa phương; Riêng năm 2022, giao kế hoạch vốn ngân sách Trung ương là trên 34.000 tỷ đồng cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương.
Tổng hợp từ các địa phương cho thấy, đến hết ngày 26/7, có 33/52 địa phương đã trình HĐND cấp tỉnh thông qua nghị quyết phân bổ vốn ngân sách Trung ương, trong đó có 22 địa phương đã hoàn thành việc giao kế hoạch vốn; 7 địa phương đang trình HĐND cấp tỉnh; 12 địa phương còn lại đang trong quá trình xây dựng nghị quyết trình HĐND cấp tỉnh.
Phát biểu tại điểm cầu Ninh Bình, thay mặt Ban chỉ đạo các Chương trình MTQG tỉnh Ninh Bình, đồng chí Trần Song Tùng, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban chỉ đạo tỉnh báo cáo kết quả thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia 6 tháng đầu năm.
Đồng chí Trần Song Tùng, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban chỉ đạo tỉnh Ninh Bình phát biểu tại hội nghị.
Theo đó, Ninh Bình kiện toàn bộ máy tham mưu giúp việc; thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025; UBND tỉnh đã xây dựng và trình HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết thông qua Đề án Xây dựng NTM tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021-2025; các Nghị quyết quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Nhà nước thực hiện Chương trình xây dựng NTM và Chương trình Giảm nghèo bền vững làm cơ sở để phân bổ nguồn vốn NSNN thực hiện các chương trình nêu trên.
Đối với Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, hiện nay Sở Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai xây dựng, dự kiến sẽ trình HĐND tỉnh thông qua (dự kiến trong tháng 8), làm cơ sở để phân bổ nguồn vốn ngân sách Nhà nước.
Về nguồn lực đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho 3 Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 tại tỉnh Ninh Bình là 1.332,8 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương 86,8 tỷ đồng và ngân sách địa phương là 1.246 tỷ đồng.
Cụ thể, chương trình xây dựng NTM là 965,8 tỷ đồng, Chương trình giảm nghèo bền vững là 164,291 tỷ đồng và Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 202,76 tỷ đồng. Riêng các Chương trình MTQG năm 2022, tổng vốn ngân sách Nhà nước thực hiện các chương trình MTQG trên bàn tỉnh là 227,51 tỷ đồng
Nhờ nguồn lực đầu tư, trong 6 tháng đầu năm, tỉnh Ninh Bình có thêm 2 huyện, thành phố (huyện Nho Quan, thành phố Ninh Bình) được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận đạt chuẩn NTM, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2020.
Lũy kế đến hết tháng 6/2022, toàn tỉnh có 5/6 huyện được công nhận đạt chuẩn NTM, 2/2 thành phố được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Tỉnh đã công nhận 2 xã của huyện Kim Sơn đạt chuẩn NTM. Tỉnh Ninh Bình hiện đã có 119/119 xã đạt chuẩn NTM, đạt tỷ lệ 100%. Dự kiến đến hết năm 2022, tỉnh Ninh Bình có thêm 13 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 3 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Trong 6 tháng đầu năm, tỉnh Ninh Bình đã ban hành các văn bản chỉ đạo, kế hoạch triển khai thực hiện: Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đồng thời, đôn đốc các cơ quản chủ trì chương trình đẩy nhanh tiến độ xây dựng phương án phân bổ các nguồn vốn NSNN để thực hiện chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh.
Để thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022, tỉnh Ninh Bình tập trung đẩy nhanh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, thực hiện nghiêm các quy định của Trung ương và của tỉnh về đầu tư công, không để phát sinh nợ xây dựng cơ bản. Phối hợp với các tổ chức đoàn thể thực hiện công tác tuyên truyền vận động nhân dân chủ động, tự giác, tích cực tham gia thực hiện các Chương trình MTQG trên địa bàn.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá mức độ hoàn thành các mục tiêu; kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp xử lý; tập huấn cập nhật kiến thức, nội dung mới của các chương trình nâng cao năng lực cho cán bộ các cấp trực tiếp triển khai thực hiện
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị các cấp, bộ ngành sớm xây dựng, ban hành Thông tư hướng dẫn…để các các địa phương có căn cứ thực hiện
Kết luận hội nghị, đồng chí Phạm Bình Minh, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương các Chương trình MTQG nhấn mạnh: Để hoàn thành kế hoạch, nhiệm vụ năm 2022, các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương, các bộ, cơ quan và địa phương cần tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách khung, ban hành các văn bản hướng dẫn làm cơ sở xây dựng kế hoạch, sớm triển khai thực hiện.
Đề nghị người đứng đầu Ban chỉ đạo các Chương trình MTQG mỗi địa phương đôn đốc sâu sát với Chương trình, nêu cao tinh thần, trách nhiệm vì mục tiêu của địa phương và mục tiêu chung quốc gia.