Chủ trì hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình có đồng chí Trần Song Tùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh. Cùng dự có các thành viên Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh và các đơn vị liên quan.
Tại hội nghị, đại diện Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT đã trình bày báo cáo tóm tắt về công tác phòng PCTT & TKCN năm 2022, những kết quả đạt được, những vấn đề còn tồn tại, bài học kinh nghiệm từ thực tế công tác chỉ đạo, điều hành trong thời gian vừa qua.
Theo đó, trong năm 2022, ở Việt Nam, tình hình thiên tai xảy ra bất thường, cực đoan, trái quy luật ngay từ những tháng đầu năm trên các vùng miền cả nước với 21/22 loại hình thiên tai (trừ sóng thần), trong đó có 1.072 trận thiên tai đã được thống kê. Trong năm vừa qua, thiên tai đã làm 175 người chết, mất tích, thiệt hại về kinh tế gần 19,5 nghìn tỷ đồng (gấp 1,6 lần thiệt hại về người và 3,4 lần thiệt hại về kinh tế so với năm 2021). Riêng từ đầu năm 2023 đến nay, cả nước cũng ghi nhận 3 trận mưa lớn, 21 trận giông lốc, 12 vụ sạt lở bờ sông, 78 trận động đất, 2 đợt rét hại và nhiều đợt gió mạnh, sóng lớn trên biển làm 7 người mất tích, thiệt hại kinh tế gần 25 tỷ đồng.
Mặc dù thiên tai diễn ra phức tạp song công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả đã được Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT, các cấp, các ngành thực hiện quyết liệt, kịp thời và hiệu quả, cùng với sự chủ động của người dân, các tổ chức chính trị xã hội và nhiều tổ chức quốc tế, nhờ đó đã giảm thiểu được thiệt hại, đồng thời sớm khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân ở các khu vực chịu ảnh hưởng.
Đặc biệt, năm qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình tổng thể PCTT quốc gia; tổ chức công bố kết quả đánh giá công tác PCTT cấp tỉnh thông qua Bộ chỉ số công tác PCTT cấp tỉnh từ đó giúp các địa phương thấy rõ điểm mạnh, điểm yếu trong công tác thực hiện PCTT để điều chỉnh giải pháp triển khai hàng năm.
Tại tỉnh Ninh Bình, trong năm 2022, UBND tỉnh cũng đã kịp thời kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT & TKCN các cấp; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, ứng dụng công nghệ, xây dựng cơ sở dữ liệu, công cụ hỗ trợ điều hành ứng phó thiên tai. Chủ động triển khai và thường xuyên kiểm tra công tác chuẩn bị PCTT & TKCN; chỉ đạo các đơn vị duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp các công trình đê điều, hồ đập, cống xung yếu... Tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về PCTT bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú cho người dân. Thực hiện nghiêm túc công điện của trung ương và sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia PCTT; duy trì chế độ thường trực để ứng phó, huy động toàn bộ lực lượng, phương tiện hiện có để khắc phục hậu quả do mưa, bão gây ra. Trong năm, trên địa bàn tỉnh chịu ảnh hưởng của 1 cơn bão, 4 đợt rét đậm rét hại, 12 đợt mưa vừa, mưa to, 1 đợt lũ tiểu mãn làm trên 1 nghìn nhà dân bị ngập, hơn 500 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại,... ước tính thiệt hại hơn 366 tỷ đồng.
Cũng tại hội nghị, đại diện các Bộ, ngành, địa phương đã tham luận, tập trung đánh giá những tồn tại và hạn chế trong PCTT đồng thời đề xuất các giải pháp chủ động ứng phó với diễn biến thiên tai của năm nay.
Kết luận tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá cao các Bộ, ngành, địa phương và người dân đã tích cực, chủ động trong công tác phòng chống, góp phần làm giảm nhẹ thiên tai. Dự báo năm 2023, tình hình thời tiết, thiên tai sẽ tiếp tục có những diễn biến khó lường. Do đó, Phó Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan từ trung ương đến địa phương cần xác định PCTT là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên. Xây dựng phương án PCTT sát với thực tế, tránh tâm lý chủ quan đặc biệt là ở những nơi ít bị ảnh hưởng của thiên tai. Chuyển dịch mạnh mẽ từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa; lồng ghép nội dung PCTT vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình dự án đầu tư. Tăng cường công tác phối hợp; nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo và theo dõi, giám sát thiên tai. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế và chuyển đổi số trong PCTT & TKCN. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, thời gian tới cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và người dân trong cách ứng xử với thiên tai.
Nguyễn Lựu - Minh Đường