Tham dự hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình có các đồng chí: Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Song Tùng, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Sở Nông nghiệp & PTNT và một số sở, ngành liên quan.
Năm 2020 là năm khu vực nông nghiệp đối mặt với nhiều thách thức. Cùng với đại dịch COVID-19, thiên tai khốc liệt và hàng loạt các dịch bệnh nguy hiểm cấp độ khu vực và toàn cầu (Dịch tả lợn châu Phi, sâu keo mùa thu, châu chấu sa mạc). Tuy nhiên, toàn ngành Nông nghiệp đã nỗ lực vượt khó, vươn lên đạt tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành khoảng 2,65%. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%; thu nhập của người dân khu vực dân nông thôn đạt 43 triệu đồng/người.
Thị trường tiêu thụ nông sản tiếp tục phát triển, duy trì 9 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 5 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ USD là gỗ và các sản phẩm từ gỗ, tôm, rau quả, hạt điều, gạo. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 41,2 tỷ USD; thặng dư thương mại ước đạt 10,3 tỷ USD.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) tiếp tục phát triển, hiện đã có trên 5.500 xã (bằng 62%), 173/664 huyện (bằng 26%) đạt chuẩn NTM. Hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được đầu tư nâng cấp và từng bước hiện đại hóa, đồng bộ, phục vụ tốt hơn cho sản xuất, đời sống dân sinh, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Cùng với cả nước, năm 2021, ngành Nông nghiệp Ninh Bình cũng đạt được những kết quả khả quan. Trong đó, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt trên 9.219,3 tỷ đồng, tăng 3,15% so với năm 2019 (cao nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay); chỉ tiêu các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp đều vượt kế hoạch; giá trị 1 ha canh tác đạt 135 triệu đồng (vượt 5 triệu so với mục tiêu Đại hội).
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tiếp tục phát triển sâu rộng. Có thêm 6 xã về đích NTM, nâng tổng số xã lên 105/119 xã (vượt xa mục tiêu Nghị quyết đại hội XXI là 75 xã) và 8 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Năm 2021 toàn ngành Nông nghiệp & PTNT tập trung thực hiện quyết liệt cơ cấu lại theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và xây dựng NTM nhằm "Phát triển nền nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; NTM phồn vinh và văn minh, nông dân giàu có".
Chỉ tiêu cơ bản năm 2021 của ngành là: Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 2,7 - 3%; tốc độ tăng giá trị sản xuất nông lâm thủy sản 2,8 - 3,1%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trên 42 tỷ USD; tỷ lệ số xã đạt tiêu chuẩn NTM trên 70%; tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh 91%; tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42% và nâng cao chất lượng rừng.
Tại hội nghị, đại biểu các địa phương, bộ, ngành đã tập trung thảo luận, phân tích những kết quả mà ngành nông nghiệp cả nước đã đạt được; nêu ra phương hướng, giải pháp để thực hiện nhiệm vụ của năm 2021.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng nêu ra những khó khăn, tồn tại, đồng thời kiến nghị Chính phủ, Bộ Nông nghiệp & PTNT quan tâm xem xét một số nội dung như sớm sửa đổi Luật Đất đai để mở đường cho nông nghiệp lớn, đổi mới hình thức tổ chức tiêu thụ nông sản, có các chính sách tạm trữ lúa gạo để ổn định giá cả, xây dựng thương hiệu cho cá tra, tăng cường đầu tư hoàn thiện các công trình hạ tầng, thủy lợi phục vụ tưới tiêu, kết hợp với phòng chống thiên tai, …
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc điểm lại những kết quả kinh tế - xã hội mà Việt Nam đã đạt được trong năm 2020, đồng thời nhấn mạnh năm nay một năm đầy khó khăn và thử thách nhưng cũng là một năm đầy bản lĩnh và thắng lợi toàn diện trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. Nông nghiệp tiếp tục thể hiện vai trò là "bà đỡ", là cứu cánh của quốc gia. Thủ tướng biểu dương Bộ Nông nghiệp & PTNT, các địa phương, đặc biệt là bà con nông dân đã nỗ lực để có được thành công này.
Bên cạnh những mặt đạt được, Thủ tưởng cũng chỉ ra một số mặt tồn tại của ngành và đề nghị năm 2021, ngành Nông nghiệp & PTNT cần tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh; phấn đấu vượt mục tiêu tăng trưởng của năm ở mức cao nhất. Tiếp tục tìm thị trường để ổn định đầu ra cho nông sản.
Có cơ chế, chính sách đất đai thị trường để có một nền nông nghiệp hữu cơ, xanh, sạch, chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi nông nghiệp số, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong toàn ngành.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, khơi thông các nguồn lực đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Chủ động phòng chống thiên tai, xây dựng các phương án ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn.
Quan tâm vấn đề về an toàn thực phẩm, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp. Giao cho Bộ Khoa học & Công nghệ, Bộ Tài chính xem xét bố trí nguồn vốn đầu tư cho xây dựng NTM trong giai đoạn tới, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội. Giao Bộ Nông nghiệp & PTNT tổng hợp kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương để xử lý, vấn đề nào vượt thẩm quyền thì báo cáo Chính phủ, trên tinh thần tạo điều kiện tốt nhất cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn có điều kiện phát triển.
Thủ tướng tin tưởng với truyền thống cần cù, sáng tạo của bà con nông dân cả nước, ngành nông nghiệp sẽ hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đề ra.
Tại điểm cầu Ninh Bình, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Sở NN & PTNT xây dựng chương trình hành động để cụ thể hóa các kết luận của Thủ tướng Chính phủ. Nhiệm vụ trọng tâm trước mắt là kiểm soát tốt dịch tả lợn châu Phi, không được phép lơ là, chủ quan; Tổ chức diệt chuột, làm thủy lợi nội đồng, chuẩn bị tốt các điều kiện cho vụ sản xuất đông xuân sắp tới; Sớm kiện toàn Ban chỉ đạo chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM; Xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết 39; Tổ chức sơ kết, đánh giá đồng thời đẩy mạnh thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP.
Hà Phương - Anh Tuấn