Dự hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình có đồng chí Phạm Minh Thường, Giám đốc Sở Tư pháp, và đại diện phòng Tư pháp các huyện, thành phố và một số đơn vị có liên quan.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nhưng Bộ, ngành Tư pháp đã kịp thời điều chỉnh chương trình công tác phù hợp và tổ chức thực hiện có hiệu quả nên việc phổ biến, giáo dục pháp luật, cải cách tư pháp, quản lý Nhà nước về luật sư, hợp tác quốc tế đều đạt kết quả tốt.
Chất lượng thẩm định văn bản quy phạm pháp luật tốt hơn và đã giải quyết được số lượng lớn yêu cầu của người dân và doanh nghiệp tromg lĩnh vực đăng ký hộ tịch, công chứng, chứng thực, trợ giúp pháp lý gắn với đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, 6 tháng đầu năm, Bộ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao thực hiện 98 nhiệm vụ, đã hoàn thành 54 nhiệm vụ, đang tiếp tục thực hiện 44 nhiệm vụ, không có nhiệm vụ quá hạn.
Bộ đã tiếp nhận, trả lời 249 kiến nghị, đề nghị hướng dẫn nghiệp vụ của các bộ, ngành, địa phương (trong đó, có 140 kiến nghị được gửi qua các báo cáo sơ kết 6 tháng), tăng 14 kiến nghị so với cùng kỳ năm 2019; tiếp nhận, trả lời 12 phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp gửi qua Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Bộ Tư pháp, các sở Tư pháp đã tổ chức thẩm định 164 đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Toàn ngành đã thẩm định 2.813 dự thảo Văn bản quy phạm pháp luật.
Về công tác thi hành án dân sự: Tổng số phải thi hành 742.753 việc, trong đó số có điều kiện thi hành là 597.233 việc. Đã thi hành xong là 374.914 việc, giảm 16.604 việc so với cùng kỳ năm 2019; đạt tỉ lệ 62,78% (giảm 1,79% so với cùng kỳ năm 2019). Đến nay, đã có 62/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chính thức áp dụng phần mềm đăng ký và quản lý hộ tịch dùng chung của Bộ Tư pháp...
Tại Ninh Bình, 6 tháng đầu năm Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai công tác xây dựng, kiểm tra, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật , hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh năm 2020. Tham gia ý kiến vào 84 dự thảo văn bản; thẩm định 38 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật. Phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan tham mưu UBND tỉnh giải quyết những vụ việc phát sinh phức tạp theo đúng quy định, không để xảy ra tình trạng phức tạp kéo dài. Các hoạt động công chứng, trợ giúp pháp lý được thực hiện kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân; công tác đấu giá tài sản đã làm tăng nguồn thu ngân sách Nhà nước hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm...
Để tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Lê Thành Long đề nghị, trong 6 tháng cuối năm 2020, các đơn vị thuộc Bộ, tổ chức pháp chế và cơ quan tư pháp, cơ quan thi hành án dân sự các cấp tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Tiếp tục ưu tiên, tập trung nguồn lực cho việc xây dựng, chỉnh lý các dự án luật, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đảm bảo tiến độ, chất lượng dự án;
Tham mưu cho lãnh đạo các Bộ, UBND các tỉnh, thành phố chuẩn bị kỹ hội nghị của Chính phủ về công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và nâng cao chất lượng thi hành pháp luật; Phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp trong việc thực hiện tốt nhiệm vụ của tổ công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật.
Tăng cường công tác quản lý Nhà nước, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động tư pháp trên địa bàn, nhất là đối với lĩnh vực bổ trợ tư pháp như luật sư, đấu giá tài sản, công chứng; tập trung nguồn lực, kịp thời có giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo để hoàn thành các chỉ tiêu thi hành án dân sự được giao năm 2020, tập trung thi hành có hiệu quả án kinh tế, tham nhũng, thu hồi tiền, tài sản Nhà nước bị chiếm đoạt, thất thoát…
Tin, ảnh: Kiều Ân