Dự hội nghị có các đồng chí: Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ; Nguyễn Thiện Nhân, ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Lê Vĩnh Tân, UVT.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ; lãnh đạo Văn phòng Chính phủ; đại diện một số bộ, ngành trung ương và tại điểm cầu 63 tỉnh, thành phố.
Tại Ninh Bình, dự hội nghị có đồng chí Tống Quang Thìn, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; lãnh đạo các huyện, thành phố trong tỉnh.
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhấn mạnh: Chương trình cải cách hành chính tổng thể đất nước giai đoạn 2011-2020 đặt ra yêu cầu lớn.
Đó là năm 2020 có 80% người dân hài lòng về sự phục vụ bộ máy chính quyền các cấp. Nội dung cải cách hành chính vừa qua đã triển khai đồng bộ trên 5 lĩnh vực: Cải cách thể chế, tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước, đổi mới nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, cải cách tài chính công, nâng cao hiện đại hóa nền hành chính công.
Trong đó giải pháp trọng tâm chính là nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính và chất lượng dịch vụ công.Tuy nhiên, nếu không triển khai từ bây giờ việc đo lường, đánh giá sự hài lòng của người dân thì đến năm 2020 không thể trả lời được bao nhiêu phần trăm người dân hài lòng về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước…
Báo cáo đánh giá việc đo lường, xác định chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước do Bộ Nội vụ trình bày cho thấy: Có 6 thủ tục hành chính (TTHC) được chọn để triển khai SIPAS 2015, gồm: Cấp giấy chứng minh nhân dân, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng nhà ở, giấy đăng ký kết hôn, giấy khai sinh và chứng thực.
Đây là các thủ tục liên quan mật thiết tới đời sống nhân dân, tổ chức, được xã hội quan tâm. Trong đó có thủ tục phức tạp, khó khăn cũng như thủ tục đơn giản, dễ dàng, nhằm đánh giá công bằng nỗ lực và kết quả giải quyết TTHC, phục vụ người dân, tổ chức của các cơ quan hành chính Nhà nước năm 2014.
Tính đến tháng 12/2016, có 4 bộ và 32 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã chủ động triển khai và công bố kết quả đo lường sự hài lòng của người dân và tổ chức trong phạm vi ngành, địa phương. Cách thức, phương pháp triển khai của 4 bộ và 32 địa phương cũng rất đa dạng.
Việc các bộ, ngành và địa phương tự triển khai đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức trong thời gian qua thể hiện sự nỗ lực trong cải cách hành chính, nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, chất lượng phục vụ người dân, tổ chức, xây dựng một nền hành chính phục vụ.
Có từ trên 73%- 86,1% người ở cả 6 thủ tục được khảo sát cảm nhận hài lòng; thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có tỷ lệ người dân hài lòng về tiếp cận dịch vụ thấp nhất đạt 73,7%, cấp giấy đăng ký kết hôn có tỷ lệ hài lòng cao nhất đạt 86,1%; tỷ lệ hài lòng trong giải quyết thủ tục hành chính ở cấp huyện đạt mức trên 70%, cấp xã trên 80%...
Kết quả đo lường sự hài lòng của nhiều bộ, ngành, địa phương phản ánh khá sát thực tế chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đối với người dân, tổ chức trong thời gian qua và mong mọi của người dân, tổ chức đối với việc cải thiện, nâng cao chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trong thời gian tới.
Đối với tỉnh Ninh Bình, chỉ số cải cách hành chính năm 2015 xếp hạng ở mức cao, xếp thứ 14/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Công tác cải cách thủ tục hành chính tiếp tục được đẩy mạnh. Hiện các sở, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã đã công bố danh mục thủ tục hành chính chuẩn hóa.
Nhiều quy trình, thủ tục hành chính đã được đơn giản hóa và công khai hóa, rút ngắn thời gian giải quyết công việc, đặc biệt là trong các thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp nhằm thu hút đầu tư, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp dịch vụ công trực tuyến được đẩy mạnh. Việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN 9001:2008 trong quản lý nhà nước tiếp tục duy trì, mở rộng đã phát huy tác dụng tích cực trong hoạt động phục vụ tổ chức và công dân.
Hiện 100% cơ quan hành chính các cấp của tỉnh tích cực triển khai và duy trì cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Tỉnh đã hoàn thành việc kết nối liên thông hệ thống phần mềm quản lý văn bản để gửi, nhận văn bản từ UBND tỉnh đến các sở, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã, góp phần giảm thời gian gửi-nhận văn bản. Các văn bản được quản lý, sử dụng hoàn toàn trên môi trường mạng, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, điều hành thông suốt từ tỉnh đến cơ sở…
Trên cơ sở tiếp thu ý kiến chỉ đạo từ hội nghị, về nhiệm vụ trong thời gian tới của tỉnh, đồng chí Tống Quang Thìn, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị quan tâm thực hiện tốt các nội dung: Các sở, ban ngành, các huyện, thành phố cần tập trung thực hiện Nghị quyết 30c của Chính phủ về chương trình tổng thể cải cách thủ tục hành chính giai đoàn 2011-2020, trong đó chú trọng vào nội dung xây dựng chính phủ điện tử; đẩy mạnh việc phấn đấu tiếp tục cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh, chỉ số đánh giá cải cách hành chính với mục đích cuối cùng là phục vụ, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh; nâng cao tinh thần trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, nhất là những người trực tiếp giải quyết công việc liên quan đến cải cách hành chính; thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác cải cách hành chính; tạo sự thông thoáng trong giải quyết hồ sơ cho tổ chức và cá nhân đến giải quyết nhưng vẫn đảm bảo trong hành lang pháp lý, theo đúng khuôn khổ pháp luật quy định.
Bùi Diệu