Đồng chí Đinh Văn Điến, Chủ tịch UBND tỉnh dự và chỉ đạo hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình. Cùng dự có đồng chí Đinh Việt Dũng, TVTU, Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư; các đồng chí lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu nhấn mạnh về một số nội dung cần các bộ ngành, địa phương phân tích, làm rõ như: hiện tỷ lệ giải ngân vốn ODA quá thấp so với nhu cầu, nguyên nhân đến từ việc có nhiều dự án kéo dài qua nhiều năm do các địa phương chưa có sự quan tâm đúng mức.
Thủ tướng cũng lưu ý, các địa phương, đơn vị chỉ rõ cơ quan nào để chậm trễ trong việc giải quyết thủ tục cho các dự án ODA; biện pháp nào nhằm giúp không để lọt nhà đầu tư kém năng lực, thiếu kinh nghiệm được tham gia dự án, gây ảnh hưởng đến tiến độ các dự án...
Về giải pháp, cần xem xét lĩnh vực thuộc thẩm quyền của cơ quan nào thì cơ quan đó phải chịu trách nhiệm. Thủ tướng đề nghị các địa phương không giải ngân được theo tiến độ báo cáo Thủ tướng kịp thời để điều chuyển vốn, thậm chí không bố trí vốn trong năm 2021 - 2022.
Bên cạnh đó, thủ tục giải ngân còn quá rườm rà, phiền phức, nhà thầu xây dựng yếu kém về năng lực thiết bị và tài chính, thiếu chủ động chuẩn bị dự án, chưa quan tâm trong chỉ đạo giải ngân dù có khối lượng. Thủ tướng yêu cầu phải chỉ rõ trách nhiệm của ai, cấp nào để tháo gỡ, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo để tạo chuyển biến trong giải ngân ODA.
Theo số liệu của Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân vốn nước ngoài cấp phát từ ngân sách Trung ương tính đến ngày 31/10/2020 ước đạt 18.089 tỷ đồng, bằng 30,15% so với kế hoạch giao. Mức giải ngân này cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái cả về giá trị (12.367 tỷ đồng) và tỷ lệ (27,09%). Điều này cho thấy tỷ lệ giải ngân ước 10 tháng so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đã có sự chuyển biến tích cực so với các tháng đầu năm. Mặc dù tình hình có được cải thiện, song tỉ lệ giải ngân vốn nước ngoài còn thấp.
Cũng theo đánh giá của Bộ Tài chính: trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục bùng phát trở lại ở nhiều nước, tiến độ thực hiện nhiều dự án ODA không tránh khỏi bị chậm trễ, cả từ khâu nhập máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát. Tiến trình đàm phán, thống nhất với nhà tài trợ nước ngoài đối với từng hoạt động và kế hoạch thực thi dự án, việc tổ chức đấu thầu quốc tế... đã bị ảnh hưởng.
Một lý do chậm trễ là sự khác biệt về quy trình, thủ tục của Việt Nam và nhà tài trợ, đặc biệt trong công tác đấu thầu, đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư; hay việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành, các chủ trương, chính sách mới, buộc các dự án phải có sự điều chỉnh.
Đối với tỉnh Ninh Bình, số vốn nước ngoài năm 2020 là 284,076 tỷ đồng. Đến hết tháng 9 đã giải ngân là 130.606 tỷ đồng, đạt 45,98% kế hoạch vốn đã giao. Giá trị khối lượng đã hoàn thành nghiệm thu chưa hoàn thành thủ tục thanh toán tính đến hết tháng 9 là 22,768 tỷ đồng. Số vốn kế hoạch còn lại chưa giải ngân năm 2020 là 101,811 tỷ đồng.
Tại hội nghị trực tuyến, các bộ, ngành, địa phương đã báo cáo và đánh giá tình hình thực hiện giải ngân các chương trình, dự án ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài, đồng thời thảo luận các biện pháp tháo gỡ vướng mắc, giải quyết những khó khăn về thủ tục, tiến trình giải ngân và nguồn vốn.
Nguyễn Thơm- Anh Tuấn