Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái dự và chỉ đạo hội nghị. Dự hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình có các đồng chí lãnh đạo Sở Tài chính, Cục Hải quan Hà Nam Ninh, Cục Thuế, Kho bạc Nhà nước tỉnh.
Trong 6 tháng đầu năm, dịch COVID-19 tiếp tục bùng phát với biến chủng mới của vi rút, lây lan nhanh, khó kiểm soát hơn đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, các địa phương trọng điểm kinh tế, đông dân cư và đời sống của người dân.
Trong bối cảnh đó, ngành Tài chính đã bám sát tình hình thực tiễn, chủ động đề xuất các giải pháp tài khóa để cụ thể hóa việc thực hiện "nhiệm vụ kép" - vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo đời sống nhân dân.
Nổi bật là Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất năm 2021 và ban hành có thẩm quyền nhiều văn bản miễn giảm nhiều loại phí, lệ phí trong năm 2021.
Đồng thời chỉ đạo cơ quan Thuế, Hải quan triển khai kịp thời các chính sách: cho phép tính vào chi phí các khoản ủng hộ, tài trợ cho các hoạt động phòng chống dịch COVID-19; giảm 30% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay đến hết năm 2021. Kết quả thực hiện trong 6 tháng đầu năm đã miễn, giảm, gia hạn các khoản thuế, tiền thuê đất, phí, lệ phí là 27,5 nghìn tỷ đồng.
Cùng với đó, ngành Tài chính tập trung tổ chức thực hiện nhiệm vụ thu chi NSNN năm 2021. Tổng thu NSNN ước đạt trên 781 nghìn tỷ đồng, bằng 58,2% dự toán, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2020, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2019.
Cả nước đã có 60/63 địa phương đảm bảo tiến độ dự toán thu nội địa (đạt trên 50%). Công tác điều hành chi ngân sách Nhà nước được thực hiện chủ động, đảm bảo chặt chẽ, đúng chính sách, chế độ.
Tổng chi ngân sách Nhà nước ước 694,4 nghìn tỷ đồng, bằng 41,2% dự toán. Trong đó, Ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương đã ưu tiên bố trí kinh phí cho công tác phòng chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19 là 4,65 nghìn tỷ đồng.
Tại Ninh Bình, 6 tháng đầu năm ngành Tài chính đã làm tốt công tác tham mưu tổ chức điều hành thực hiện công tác thu NSNN trên địa bàn, đồng thời nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan trong công tác quản lý thu NSNN.
Tổng thu NSNN trên địa bàn thực hiện 6 tháng đầu năm 2021 là 10.650 tỷ đồng, đạt 57,2% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm trước. Tổng chi ngân sách địa phương thực hiện 6 tháng đầu năm 2021 là 5.426 tỷ đồng, đạt 35,3% dự toán HĐND tỉnh giao, đạt 95,1 so với cùng kỳ năm trước.
Chi ngân sách đã đáp ứng kịp thời nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của địa phương. Đặc biệt đã ưu tiên dành nguồn để thực hiện các nhiệm vụ cấp bách về phòng, chống, dập dịch COVID-19, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, đảm bảo an sinh xã hội.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ghi nhận, biểu dương sự nỗ lực và kết quả mà ngành Tài chính đã đạt được trong 6 tháng đầu năm. Nhất là trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 tái bùng phát, ngành Tài chính đã kịp thời triển khai các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp ổn định đời sống, phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục tăng cường công tác dự báo tình hình, nghiên cứu các giải pháp tài khóa, tham mưu các giải pháp chỉ đạo điều hành trên các lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ được giao.
Bám sát, phối hợp với Sở LĐ, TB&XH, Ngân hàng Nhà nước, các địa phương triển khai hiệu quả Nghị quyết 68 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Rà soát thể chế, cắt giảm thủ tục hành chính, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh để tháo gỡ những vướng mắc cho hoạt động đầu tư; hoàn thiện khung pháp lý cho phát triển kinh tế - xã hội, mô hình kinh tế mới, ứng dụng chuyển đổi số, thương mại điện tử...
Chỉ đạo cơ quan Thuế, Hải quan tăng cường công tác quản lý nguồn thu, thực hiện các giải pháp về thuế, phí, hỗ trợ doanh nghiệp. Điều hành chi ngân sách trong phạm vi dự toán được giao; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân công nhiệm vụ, linh hoạt để kịp thời tháo gỡ khó khăn.
Ngành Tài chính cần chú trọng công tác xây dựng dự toán NSNN năm 2022 trên cơ sở các chỉ tiêu kinh tế - xã hội; phối hợp các cơ quan để nâng cao hiệu quả điều hành chính sách tài khóa tiền tệ, thực hiện phân bổ hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền điều chuyển kế hoạch vốn đầu tư công của các dự án chậm tiến độ cho các dự án có nhu cầu vốn cao.
Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương vào cuộc, chỉ đạo sát sao các giải pháp về tài chính - NSNN của Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, phấn đấu tăng thu 3-5% so với dự toán ngân sách được giao.
Hồng Giang