Tham dự hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình có lãnh đạo Sở Nông nghiệp & PTNT, đại diện các đơn vị trực thuộc Sở.
Báo cáo tại hội nghị, đại diện Cục Thú y cho biết: Trong 8 tháng đầu năm, các loại dịch bệnh động vật trên cạn cơ bản được kiểm soát tốt. Dịch cúm gia cầm chủ yếu xảy ra tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, các địa phương đã phát hiện, xử lý kịp thời không để lây lan diện rộng.
Đặc biệt, từ đầu năm đến nay không có báo cáo ổ dịch tai xanh mới phát sinh. Hiện nay, cả nước chỉ còn 1 ổ dịch lở mồm, long móng chưa qua 21 ngày. Riêng bệnh dịch tả lợn châu Phi có diễn biến phức tạp khi số lợn bị mắc bệnh, phải tiêu hủy là hơn 93 nghìn con, cao gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2020.
Tương tự, bệnh Viêm da nổi cục ở trâu bò cũng lây lan nhanh với gần 188 nghìn con gia súc mắc bệnh. Trên thủy sản, từ đầu năm đến nay, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại khoảng 16.200 ha, giảm gần 60% so với cùng kỳ năm 2020.
Dịch bệnh được kiểm soát đã tạo thuận lợi cho chăn nuôi phát triển, đảm bảo được nguồn cung thực phẩm cho người dân. Tổng đàn gia cầm hiện nay là hơn 515 triệu con, đàn lợn 26,67 triệu con, đàn bò tăng 1,8%; tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt trên 4,5 triệu tấn, sản lượng trứng gia cầm đạt 11,4 tỷ quả, tăng 5%.
Tại Ninh Bình, đến nay, bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò đã được khống chế hoàn toàn và công bố hết dịch; bệnh dịch tả lợn châu Phi cơ bản được kiểm soát, còn 16 xã của 3 huyện dịch chưa qua 21 ngày. Chăn nuôi gia cầm phát triển tốt, công tác tái đàn, sản xuất chăn nuôi lợn đảm bảo an toàn dịch bệnh, tổng đàn lợn đạt 274,5 nghìn con, tăng 25,1% so với cùng kỳ. Sản xuất thủy sản tiếp tục phát triển, không có dịch bệnh xảy ra.
Phát biểu hội nghị, đại diện các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp đã làm rõ tình hình chăn nuôi, công tác phòng, chống dịch bệnh các tháng đầu năm, và nêu lên một số khó khăn, vướng mắc.
Đồng thời, kiến nghị Bộ Nông nghiệp & PTNT tăng cường thanh kiểm tra, kiểm soát chất lượng giá cả vật tư nông nghiệp, đặc biệt là thức ăn chăn nuôi; Cục Thú y sớm có hướng dẫn quy trình giám sát chủ động vi rút dịch tả lợn châu Phi; cách kiểm tra xử lý đối với động vật có nhiễm COVID - 19…
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: Thời gian tới, nguy cơ các loại dịch bệnh động vật xảy ra là rất lớn do các mầm bệnh còn lưu hành ngoài môi trường với tỷ lệ cao, trong khi đó chăn nuôi của chúng ta chủ yếu vẫn là nhỏ lẻ.
Đặc biệt, những tháng cuối năm nhu cầu vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật tăng mạnh; thời tiết bất lợi tạo điều kiện cho các loại mầm bệnh phát triển, lây lan. Do vậy, để ngành Nông nghiệp giữ vững được mục tiêu tăng trưởng, tiếp tục là trụ đỡ nền kinh tế đất nước.
Các ngành, địa phương, doanh nghiệp cần tập trung các nguồn lực để tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo quy định.
Tăng cường tuyên truyền sâu rộng về tình hình dịch bệnh. Tổ chức giám sát, phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo và xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh, không để lây lan diện rộng. Khẩn trương tổ chức tiêm phòng vắc-xin cho đàn vật nuôi theo kế hoạch. Hướng dẫn người nuôi áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán gia súc, gia cầm nhập lậu qua biên giới.
Thành lập các đoàn kiểm tra, chỉ đạo và hướng dẫn việc phòng, chống dịch bệnh động vật tại cơ sở. Chú trọng công tác giám sát dịch bệnh chủ động đối với các bệnh nguy hiểm trên thủy sản. Tổ chức quan trắc, cảnh báo môi trường và giám sát dịch bệnh tại nguồn, nhất là các vùng nuôi tập trung.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong phát triển chăn nuôi, xây dựng các mô hình nuôi mới, hiện đại, đồng bộ.
Nguyễn Lựu - Minh Quang