Các đại biểu đã nghe báo cáo của Bộ trưởng Bộ Công thương về kết quả năm 2013 của ngành. Kết quả nổi bật là: sản xuất công nghiệp năm 2013 có sự phục hồi, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo; chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,9% so với năm 2012, cao hơn so với mức tăng của cùng kỳ năm trước. Tình hình hàng tồn kho, ứ đọng có chuyển biến tích cực; nhất là hàng chế biến, chế tạo có xu hướng giảm qua các tháng. Thị trường, tổng mức lưu chuyển hàng hóa 12 tháng ước tăng 12,6% so với cùng kỳ… Xuất khẩu năm 2013 ước đạt 123,17 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm trước và có 22 nhóm hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó đáng chú ý là có mặt hàng rau quả. Nhập khẩu ước đạt 131,3 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm trước. Như vậy cán cân thương mại năm 2013 của Việt Nam tiếp tục xuất siêu với cả năm là 863 triệu USD...
Tuy nhiên, giá trị sản xuất công nghiệp tăng trưởng chưa cao, sản xuất công nghiệp vẫn chưa khắc phục được tình trạng phát triển theo chiều rộng, tiến độ hoàn thành các dự án còn chậm...Hệ thống phân phối hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu vẫn chưa được củng cố và kiện toàn. Xuất khẩu tăng trưởng chủ yếu ở nhóm hàng hóa do khối doanh nghiệp FDI sản xuất, nhập khẩu chủ yếu là hàng nguyên liệu, nhiên liệu, nguyên liệu gia công...
Phát biểu ý kiến chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho rằng: năm 2013, đất nước có nhiều khó khăn, nhưng đã vượt qua với kết quả là kinh tế vĩ mô vững chắc hơn, lạm phát giảm, tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại tệ tăng, tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước, vị thế đất nước được nâng cao...
Kết quả đó là khá toàn diện, trong đó có sự đóng góp của ngành Công thương: điện, dầu khí, xuất khẩu, đảm bảo cung -cầu hàng hóa nội địa thiết yếu..Tuy nhiên vẫn còn nhiều tồn tại: tăng trưởng chậm, điện cho các vùng còn bất cập (miền Bắc thừa, miền Nam thiếu)...
Năm 2014, Bộ, ngành cần tập trung chỉ đạo, lãnh đạo làm tốt một số vấn đề sau: tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước, tạo ra những thể chế, cơ chế, chính sách thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân phát triển sản xuất kinh doanh theo kinh tế thị trường có định hướng của nhà nước.
Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, phục hồi sản xuất, tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh phát triển. Tìm kiếm thị trường mở rộng thị trường, đẩy mạnh phong trào "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", đưa hàng về vùng sâu, vùng xa.
Đảm bảo cân đối cung-cầu các mặt hàng thiết yếu trong nước, nhất là trong dịp tết nguyên đán sắp tới; Khai thác tốt các hiệp định thương mại và tăng cường đàm phán với các Quốc gia và khu vực trên Thế giới.
Chú ý công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu có hiệu quả. Thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (6 tập đoàn và 10 tổng công ty) mà trọng tâm là cổ phần hóa...
Đinh Chúc