Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự và chủ trì hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình. Cùng dự có đồng chí Nguyễn Cao Sơn, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp lần thứ 2, các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan đã tích cực tổ chức triển khai, tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, phối hợp chặt chẽ để giải quyết các công việc theo thẩm quyền đối với các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 1316/QĐ-TTg ngày 2/11/2022, trong đó bổ sung 7 dự án vào danh sách các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải, nâng tổng số các công trình, dự án thuộc Ban Chỉ đạo lên 70 dự án, dự án thành phần, đi qua 40 tỉnh, thành phố, trong đó có 63 dự án đường bộ, 5 dự án đường sắt, 2 dự án cảng hàng không.
Trong quá trình triển khai, bên cạnh một số kết quả đạt được vẫn còn những khó khăn, vướng mắc. Trong đó, công tác giải phóng mặt bằng vẫn là khâu khó khăn, phức tạp nhất ảnh hưởng lớn đến tiến độ, chất lượng các dự án và cần ưu tiên thực hiện trước một bước để bảo đảm tiến độ thi công. Nhiều địa phương còn lúng túng trong việc triển khai dự án GPMB (được tách thành dự án riêng) do chưa có các quy định, hướng dẫn về nội dung, trình tự lập, thẩm định, phê duyệt dự án.
Mặc dù Quốc hội, Chính phủ đã cho phép áp dụng các cơ chế đặc thù trong khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tuy nhiên các địa phương còn lúng túng trong việc thực hiện các thủ tục đối với các mỏ đất khai thác mới, bãi đổ thải phục vụ thi công.
Bên cạnh đó, do khối lượng công việc cần triển khai của các dự án là rất lớn, trong khi tiến độ triển khai gấp đồng thời nhiều dự án, liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương nên tiến độ thực hiện các dự án còn chậm so với yêu cầu.
Năng lực của một số chủ đầu tư, ban quản lý dự án, của đội ngũ tư vấn thiết kế, giám sát, nhà thầu thi công xây dựng còn hạn chế, chưa đồng đều, chưa đáp ứng được yêu cầu triển khai. Một số dự án triển khai với các nguồn vốn khác nhau nên cần sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành và địa phương trong việc bố trí vốn, triển khai các dự án/dự án thành phần....
Đối với tỉnh Ninh Bình, hiện trên địa bàn có 3 dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm. Trong đó, dự án Cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cao Bồ - Mai Sơn với tổng mức đầu tư trên 1.600 tỷ đồng, dự án được khởi công năm 2019, hoàn thành năm 2021, là dự án đầu tiên trong 11 dự án thành phần đã tổ chức khánh thành, thông xe và đưa vào khai thác sử dụng từ đầu năm 2022, đảm bảo tiến độ.
Dự án Cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 đoạn qua tỉnh Ninh Bình có tổng mức đầu tư là 12.918 tỷ đồng, trong đó chi phí GPMB là 635 tỷ đồng, dự án đã thi công trên 77% khối lượng, dự kiến hoàn thành trong năm 2022. Đến nay, do chưa có quy định hướng dẫn cách tính toán, xác định khoản bồi thường và không được bồi thường đối với 3 mỏ do ảnh hưởng bởi đường cao tốc nên không có cơ sở, căn cứ để xây dựng phương án bồi thường.
Đối với dự án cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng, do nguồn lực còn hạn hẹp nên thống nhất chủ trương đầu tư dự án theo hình thức BOT. Ninh Bình cam kết sẽ thực hiện công tác GPMB và phối hợp chặt chẽ với nhà đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện để đáp ứng yêu cầu của dự án.
Tại hội nghị, các địa phương, bộ, ngành liên quan, ban quản lý các dự án đã báo cáo tình hình thực hiện các dự án giao thông trọng điểm cấp quốc gia, những khó khăn, vướng mắc cụ thể của từng dự án. Đồng thời kiến nghị các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án theo đúng kế hoạch đề ra.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Chính phủ đang quyết liệt triển khai 3 đột phá chiến lược theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong đó trọng tâm là đột phá về hạ tầng giao thông với mục tiêu tới năm 2030, cả nước phải có ít nhất 5.000 km đường cao tốc. Trong khi đó tiến độ thực hiện các dự án giao thông trọng điểm quốc gia hiện nay còn chậm do nhiều yếu tố khác nhau.
Để thực hiện các dự án bảo đảm tiến độ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương rà soát và khắc phục nhanh hạn chế về các thủ tục, quy trình đầu tư cho các dự án.
Đặc biệt vấn đề đấu thầu, đấu giá cần hết sức trách nhiệm và khách quan, nghiêm túc, đúng quy định của pháp luật. Tăng cường kiểm tra, giám sát, theo dõi tiến độ trong quá trình thực hiện các dự án. Phát huy tối đa tinh thần trách nhiệm của các thành viên Ban Chỉ đạo, các địa phương, bộ, ngành, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, đạt hiệu quả cao nhất vì mục tiêu mà Đảng, Nhà nước đề ra.
Đề nghị các địa phương cần huy động cả hệ thống chính trị hoàn thành dứt điểm các tồn tại về công tác GPMB, tái định cư, di dời công trình hạ tầng kỹ thuật đối với các dự án đang triển khai thi công. Khẩn trương lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư theo đúng các mốc tiến độ yêu cầu của Chính phủ đối với các dự án thành phần. Vấn đề đấu thầu, đấu giá cần hết sức trách nhiệm và khách quan, nghiêm túc, đúng quy định của pháp luật. Tăng cường kiểm tra giám sát, theo dõi tiến độ trong quá trình thực hiện các dự án.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ Giao thông vận tải chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để giải quyết khó khăn về vật liệu và công tác GPMB, tăng cường kiểm tra hiện trường, đôn đốc tiến độ theo yêu cầu. Các bộ, ngành liên quan căn cứ vào nhiệm vụ của mình hướng dẫn, kiểm tra, tháo gỡ khó khăn, đồng thời tăng cường tuyên truyền chủ trương thực hiện dự án đến mọi cấp, ngành, nhân dân để tạo sự đồng thuận, đoàn kết, chung tay cùng thực hiện thành công các dự án.
Hồng Giang - Anh Tuấn