Trong những năm qua, ngành Nông nghiệp tỉnh nhà đã được quan tâm đầu tư, cùng với những chủ trương, cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh...đã tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp ngày càng phát triển ổn định, từng bước nâng cao vị thế và bước đầu đã đạt được những kết quả cụ thể: hạ tầng được đầu tư, nâng cấp; ổn định diện tích gieo trồng cây hàng năm trên 110.000 ha, trong đó cây lúa trên 80.000 ha; chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển khá ổn định; diện tích nuôi trồng thủy sản được mở rộng và thực hiện tốt công tác phục hồi bảo vệ rừng. Bước đầu hình thành các vùng sản xuất hàng hóa và sản xuất ra sản phẩm có giá trị cao như: Lúa giống chất lượng cao ở Yên Khánh; cá ruộng trũng ở Nho Quan, Gia Viễn; tôm, cua, ngao vùng ven biển Kim Sơn. Sản phẩm sản xuất nông nghiệp cơ bản đáp ứng được tiêu dùng và tiêu thụ bằng nhiều hình thức khác nhau. Người sản xuất được tiếp thu và ứng dụng các tiến bộ của KHKT và hướng tới sản xuất ra những sản phẩm theo xu hướng thị trường, xuất khẩu. Cơ sở hạ tầng đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu để doanh nghiệp và người dân tổ chức sản xuất liên kết; Nhà nước cũng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư liên kết trong sản xuất và tiêu thụ...
Toàn tỉnh hiện có 272 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, giải quyết việc làm cho 6.200 lao động. Đã cơ bản hình thành mối liên kết đầu vào giữa các doanh nghiệp, cá nhân tham gia cung ứng vật tư nông nghiệp với người nông dân trực tiếp sản xuất; liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm...Tuy nhiên, các hình thức liên kết tiêu thụ sản phẩm còn ít, quy mô không lớn; hợp đồng liên kết không ổn định; mối liên kết chưa chặt chẽ; đồng ruộng còn manh mún; đầu tư cho nông nghiệp có nhiều rủi ro, lợi nhuận thấp...
Hội nghị đã dành nhiều thời gian cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia ý kiến, trong đó tập trung gợi ý, gợi mở hướng sản xuất, liên kết; kiến nghị đề xuất những điều kiện, giải pháp nhằm có được các mối liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Thanh, UVDKT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy sau khi nêu bật những thành quả của ngành Nông nghiệp tỉnh nhà trong những năm qua; những khó khăn, bất cập và tồn tại đã đề nghị các đại biểu dự hội nghị, các cơ quan, doanh nghiệp tập trung thảo luận và thực hiện tốt một số yêu cầu sau: Tiếp tục quán triệt, nghiên cứu, tuyên truyền và vận dụng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về khuyến khích phát triển HTX, liên kết sản xuất với tiêu thụ, xây dựng cánh đầu mẫu lớn, hình thành các vùng chuyên canh cây trồng và vật nuôi.
Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch trong sản xuất nông nghiệp, tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo tinh thần tăng giá trị gia tăng và lợi nhuận, gắn sản xuất với chế biến và thị trường, đẩy nhanh tiến độ dồn điền đổi thửa gắn với quy hoạch và tổ chức lại sản xuất. Đổi mới và đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ KHKT, đưa các giống cây con mới có năng suất, chất lượng, hiệu quả và cạnh tranh cao vào sản xuất. Khẩn trương rà soát ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản trên địa bàn; đồng thời thực hiện một cách đầy đủ, thiết thực và hiệu quả các cơ chế chính sách đó theo hướng hỗ trợ đầu tư có điều kiện và tái thu hồi; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư, lên kết vào nông nghiệp, nông thôn. Phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn mà trước hết là hệ thống giao thông, thủy lợi, lưới điện; phát triển nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ: nhà kho, sân phơi, lò sấy, kho lạnh...để các sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch đáp ứng được yêu cầu về tiêu chuẩn và chất lượng.
Vấn đề có ý nghĩa quyết định, đảm bảo để các liên kết bền vững là sự cam kết, ràng buộc về trách nhiệm giữa doanh nghiệp và người dân. Doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược kinh doanh, chiến lược sản phẩm mang tính khả thi cao, chú ý khâu dự báo và tìm kiếm thị trường và phải biết lượng sức khi đặt mua hàng với nông dân, tránh vượt quá khả năng làm phá hủy liên kết. Các HTX và người sản xuất tuân thủ các nội dung đã cam kết, tránh đẩy doanh nghiệp vào tình trạng điêu đứng, khó xử, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Bùi Văn Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Các ý kiến của các doanh nghiệp phát biểu tại hội nghị đã gợi mở những hướng sản xuất liên kết của các doanh nghiệp với người sản xuất. Đây là những vấn đề rất cần và đang được nhân dân quan tâm. Nông nghiệp, nông thôn Ninh Bình đã có nhiều thay đổi cả về cơ sở vật chất, hạ tầng lẫn mức sống và thu nhập. Nhưng khó khăn và tồn tại vẫn là: doanh nghiệp đầu tư và lĩnh vực nông nghiệp và khu vực nông thôn ít; kết quả sản xuất chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh; quy mô sản xuất còn nhỏ bé, tính cạnh tranh thấp; quy mô liên kết, tiêu thụ sản phẩm ít, nhỏ...
Nhiệm vụ của các cấp, các ngành trong thời gian tới là làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền để mọi người dân biết và hiểu rõ về cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông thôn. Tập trung đổi mới và nâng cao hiệu quả trong sản xuất kinh doanh theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, coi trọng chất lượng sản phẩm. Chú trọng đến khâu quy hoạch, quy hoạch vùng sản xuất, quy hoạch phát triển các loại cây con. Đa dạng hóa các hình thức liên kết, song phải chú ý đến giá trị gia tăng cho hộ nông dân. Nghiên cứu thị trường, sản xuất theo thị trường. Xây dựng và giữ gìn thương hiệu sản phẩm, chữ tín trong sản xuất kinh doanh.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở NN&PTNT tham mưu soạn thảo văn bản về cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư liên kết trong nông nghiệp, lựa chọn cây con tiêu biểu đưa vào sản xuất trên địa bàn và hướng cho nông dân sản xuất theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Sở Công Thương phối hợp với Sở NN&PTNT hình thành dự báo thị trường; tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống hàng giả, hàng kém chất lượng. UBND các huyện, thị, thành phố chỉ đạo tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách về nông nghiệp, nông thôn; tạo điều kiện cho sản xuất nông nghiệp phát triển và tăng cường giám sát các liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Các doanh nghiệp chủ động nắm chắc cơ chế, chính sách, tiềm năng, thế mạnh của địa phương để việc đầu tư, liên kết có hiệu quả.
Đinh Chúc