Hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh
Thứ Ba, 29/10/2024, 07:33
Zalo
Sáng 29/10, tại Nhà hàng Ba Cửa, xã Trường Yên (Hoa Lư), Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thuỷ sản tỉnh tổ chức hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm giữa các HTX, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh và cá nhân, đơn vị tiêu dùng trên địa bàn tỉnh năm 2024.
Lễ ký kết hợp tác tiêu thụ sản phẩm giữa các HTX với các khách sạn, nhà hàng, các cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Tới dự có lãnh đạo một số sở, ngành, các HTX, các khách sạn, nhà hàng, cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh Ninh Bình hiện có khoảng 200 cơ sở, doanh nghiệp, HTX tham gia chế biến biến nông, lâm, thủy sản, hoạt động sản xuất, chế biến đã được đầu tư phát triển với nhiều sản phẩm đa dạng và phong phú bao gồm các sản phẩm từ động vật, thực vật, thủy sản, trong đó chế biến nông sản (rau, quả, chè) được xem là mấu chốt, có thế mạnh hơn cả.
Hiện nay, toàn tỉnh có 9 doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông sản quy mô công nghiệp, sản lượng lên đến hơn 100.000 tấn sản phẩm/năm. Hầu hết các doanh nghiệp đã thực hiện đầu tư bài bản từ hệ thống dây chuyền sản xuất đến việc áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến như HACCP, ISO, IFS... vào sản xuất, qua đó đã nâng cao năng suất, chất lượng và đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng cao về an toàn thực phẩm của thị trường trong nước và xuất khẩu.
Bên cạnh các doanh nghiệp chế biến có quy mô công nghiệp, số còn lại chiếm phần lớn là các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất quy mô vừa và nhỏ, phương thức sản xuất chủ yếu là bán công nghiệp và thủ công là chính với nhiều sản phẩm đa dạng như cơm cháy, các loại trà, giò chả, nem chua và các sản phẩm dạng mắm...; sản lượng chế biến chưa nhiều, chủ yếu phục vụ tiêu dùng nội địa.
Nhằm nâng cao chất lượng, quảng bá thương hiệu giúp thúc đẩy phát triển chế biến nông sản, tỉnh cũng đã có nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ như Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) thông qua đó các sản phẩm đặc sản, đặc hữu được lựa chọn để phát triển thành sản phẩm OCOP theo cả hai hướng là sản phẩm nông nghiệp hoặc sản phẩm được chế biến từ nông nghiệp.
Quang cảnh hội nghị.
Hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm giữa các cơ sở sản xuất và người tiêu dùng được tổ chức nhằm kết nối trực tiếp giữa các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm với các chủ thể nhà hàng, khách sạn, các điểm kinh doanh tại các khu du lịch với mong muốn mỗi khách du lịch đến với Ninh Bình trong các bữa ăn đều được thưởng thức những món ẩm thực mang đậm nét văn hoá của người Ninh Bình, mỗi du khách khi dời Ninh Bình đều mua tặng người thân của mình những món quà, trong đó có những sản phẩm thực phẩm, đặc sản địa phương.
Với mục tiêu mỗi khách du lịch sẽ là đại sứ quảng bá, đặc biệt với lượng lớn khách nước ngoài sẽ giúp các sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản thực phẩm của Ninh Bình không chỉ có cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước mà còn hướng tới thị trường xuất khẩu.
Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, đưa ra những giải pháp đẩy mạnh kết nối tiêu thụ sản phẩm giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng với mong muốn được cung cấp và sử dụng những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo chất lượng phục vụ khách du lịch, tạo ấn tượng với du khách khi về với Ninh Bình không chỉ được tham quan, trải nghiệm những danh lam, thắng cảnh nổi tiếng mà còn được thưởng thức ẩm thực Ninh Bình với những món ăn mang đặc trưng giá trị của vùng đất Cố đô.
Tại hội nghị đã diễn ra lễ ký kết hợp tác tiêu thụ sản phẩm giữa các HTX với các khách sạn, nhà hàng, các cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh.