Tham dự có đại diện Cục trồng trọt, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, lãnh đạo Sở NN&PTNT, Sở KH&CN, phòng NN&PTNT các huyện, thành phố, cùng đông đảo bà con nông dân tại các điểm triển khai đề tài.
Diện tích lúa chất lượng cao của Ninh Bình hàng năm vào khoảng trên 33 nghìn ha, chiếm 42,4% diện tích gieo cấy. Tuy nhiên, hầu hết các giống lúa chất lượng cao mà bà con đang gieo cấy đều là giống cũ, thoái hóa, chống chịu kém với sâu bệnh.
Trước thực trạng này, trong 2 năm 2016 và 2017, Trung tâm chuyển giao công nghệ và khuyến nông, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam được UBND tỉnh Ninh Bình, Sở KH&CN lựa chọn và giao chủ trì thực hiện đề tài " Nghiên cứu tuyển chọn và phát triển một số giống lúa chất lượng có giá tị kinh tế cao cho tỉnh Ninh Bình".
Mục tiêu tuyển chọn 2-3 giống lúa chất lượng giá trị kinh tế cao, năng suất 55-65 tạ/ha và xây dựng phương thức canh tác cho các giống lúa được tuyển chọn. Kết quả, năm 2016, Trung tâm đưa 10 giống lúa vào tuyển chọn. Vụ xuân năm 2017, lựa chọn được 3 giống có năng suất, chất lượng tốt nhất là BT09, Vaas16, GL159 để xây dựng mô hình trên diện tích 12 ha tại các huyện Yên Khánh, Kim Sơn và Hoa Lư.
Qua tham quan thực tế và đo đếm, đánh giá cụ thể cho thấy: 3 giống lúa này đều là những giống chống chịu sâu bệnh khá, thích ứng rộng, chất lượng gạo ngon; năng suất cao hơn so với giống Bắc thơm 7 từ 10-12%. Đặc biệt giống BT09 có thời gian sinh trưởng ngắn nên phù hợp để đưa vào cơ cấu 2 vụ lúa - 1 vụ màu; giống Vaas16 chịu lạnh tốt, cơm dẻo, đậm, phù hợp để sản xuất hàng hóa.
Các đại biểu thảo luận tại hội trường xã Khánh Hải (Yên Khánh).
Các ý kiến tại hội nghị đều đánh giá rất cao tiềm năng của 3 giống lúa BT09, Vaas16, GL159. Đại biểu đề nghị Sở KH&CN tỉnh Ninh Bình tiếp tục đầu tư thực hiện mô hình trong vụ mùa năm 2017 với diện tích lớn hơn, trên các chất đất khác nhau để có đánh giá toàn diện hơn. Đồng thời yêu cầu Trung tâm hoàn thiện thêm quy trình thâm canh làm cơ sở để mở rộng các giống lúa này ra sản xuất đại trà.
Hà Phương-Đức Lam