Dự hội nghị có đồng chí Tống Quang Thìn, TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, lãnh đạo một số sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, các xã, phường thị trấn có quỹ TDND và đại diện các quỹ TDND trên địa bàn.
Sau 20 năm thực hiện Chỉ thị số 57-CT/TW ngày 10/10/2000 của Bộ Chính trị về củng cố, hoàn thiện và phát triển hệ thống quỹ TDND, Ninh Bình có 39 quỹ tín dụng với gần 31.000 thành viên và tổng nguồn vốn hoạt động là trên 3.930 tỷ đồng, tăng 96,7 lần. Tổng dư nợ cho vay các Quỹ đạt trên 3.144 tỷ đồng, tăng 81,5 lần so với năm 2000 - thời kỳ bắt đầu củng cố, phát triển.
Nhìn chung, hoạt động của các quỹ TDND trên địa bàn tương đối ổn định, an toàn, hiệu quả. Hầu hết kinh doanh có lãi, nợ xấu chiếm tỷ lệ thấp, công tác củng cố, phát triển thành viên tiếp tục được quan tâm. Các quỹ tín dụng đã phát huy được ưu thế trong công tác huy động nguồn vốn nhàn rỗi từ dân cư để cho vay, tương trợ cộng đồng vì sự phát triển bền vững.
Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đã nêu lên một số tồn tại, hạn chế trong hoạt động của Quỹ như năng lực quản trị, điều hành còn ở mức độ; việc tiếp cận, nghiên cứu văn bản, chính sách, chế độ mới của Nhà nước, của ngành còn chậm, chưa có kế hoạch, chính sách phát triển thu hút thêm thành viên mới, hiệu quả kiểm tra, giám sát, phát hiện, ngăn ngừa, cảnh báo vi phạm chưa cao...
Bên cạnh đó, một số nguy cơ tiềm ẩn rủi ro trong hoạt động của quỹ TDND cũng được các đại biểu nêu lên như tình trạng xa rời bản chất và mục tiêu hoạt động của quỹ, xu hướng thương mại hóa, không còn tính liên kết cộng đồng, chạy theo mục tiêu lợi nhuận, ở một số quỹ có biểu hiện gia đình chủ nghĩa, tính liên kết hệ thống có chiều hướng suy giảm, muốn thoát ly mối liên kết với Ngân hàng HTX, Hiệp hội quỹ tín dụng và Quỹ bảo toàn...
Để củng cố, phát triển hệ thống quỹ tín dụng nhân dân trong thời gian tới, các đại biểu đề nghị tăng cường phối hợp giữa các cấp ngành trong quản lý Nhà nước đối với hoạt động của các quỹ.
Các quỹ TDND trên địa bàn cũng phải chủ động xây dựng, triển khai và điều chỉnh chiến lược, kế hoạch kinh doanh phù hợp với diễn biến thị trường và điều kiện phát triển KT - XH trên địa bàn; tuân thủ các nguyên tắc của mô hình HTX, tập trung thực hiện mục tiêu hỗ trợ vốn và cung ứng các dịch vụ ngân hàng cho thành viên, tiến tới chỉ huy động và cho vay đối với thành viên; thu hút thành viên mới đi kèm với nâng cao chất lượng, tính liên kết giữa các thành viên.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tống Quang Thìn khẳng định: Hơn 20 năm qua Quỹ tín dụng đã trở thành một kênh cấp vốn hiệu quả để phát triển kinh tế, từng bước xóa bỏ tình trạng cho vay nặng lãi ở nông thôn, góp phần quan trọng vào việc xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế ở địa phương.
Về nhiệm vụ củng cố, phát triển quỹ TDND trong thời gian tới, đồng chí đề nghị Ngân hàng nhà nước hoàn thiện hành lang pháp lý trong xử lý rủi ro trên cơ sở thẩm quyền cho phép; đồng thời chỉ đạo giám sát các quỹ TDND thực hiện đúng nội dung, giải pháp và tiến độ Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 đã được phê duyệt.
Tăng cường nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, cảnh báo kịp thời các rủi ro của hệ thống quỹ TDND. Tập trung rà soát, đánh giá phân loại Quỹ, xử lý theo thẩm quyền đối với các Quỹ yếu kém theo nguyên tắc thận trọng, đảm bảo quyền lợi của người gửi, người tham gia, ổn định an ninh trật tự địa phương.
Tăng cường thanh tra, giám sát có hiệu quả, thực chất đối với hoạt động của Quỹ. Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền để truyền tải đúng, đầy đủ và kịp thời các văn bản về chủ trương của Đảng, văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước, của tỉnh, đảm bảo các quỹ TDND chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Đồng chí đề nghị Công an tỉnh tập trung điều tra, xử lý tốt vụ quỹ TDND thị trấn Me, nắm tình hình, ngăn chặn rủi ro đối với hệ thống quỹ TDND trên địa bàn tỉnh. Sở Tài chính phối hợp Ngân hàng Nhà nước, các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách theo thẩm quyền để tạo điều kiện cho các cơ quan, tổ chức xử lý Quỹ yếu kém; nghiên cứu đề xuất, ban hành các quy định sửa đổi về phí, lệ phí liên quan đến hoạt động của quỹ TDND.
Đối với UBND các cấp, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực đề nghị theo dõi, giám sát hoạt động của Quỹ trên địa bàn, phối hợp chia sẻ thông tin, xử lý các Quỹ yếu kém, chỉ đạo các cơ quan chức năng trên địa bàn phối hợp xử lý thu hồi nợ, tài sản khi có rủi ro... Chủ động phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tuyên truyền ổn định tâm lý người dân, người gửi, đấu tranh với thông tin sai lệch.
Đồng chí cũng đề nghị Ngân hàng HTX triển khai quyết liệt Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020, mục tiêu đến năm 2030.
Hồng Giang - Anh Tuấn