Dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Thị Thanh, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Đinh Văn Điến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Bùi Mai Hoa, TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Đinh Chung Phụng, TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Cùng dự có các vị đại biểu Quốc hội tỉnh, lãnh đạo Sở Tài chính, Cục Hải quan Hà Nam Ninh, Cục Thuế tỉnh.
Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước (KBNN) tỉnh, hiện nay KBNN Ninh Bình quản lý quỹ NSNN của ngân sách Trung ương, ngân sách của tỉnh, ngân sách của huyện, thành phố và các xã, phường thị trấn trong tỉnh. Số đơn vị giao dịch là 1.373 đơn vị với 5.548 tài khoản; doanh số hoạt động 88.236 tỷ đồng/năm. Trong đó doanh số thu, chi tiền mặt là 5.227 tỷ đồng/năm.
Về tình hình Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020 theo Quyết định số 138/2007/Q Đ- TTg của Thủ tướng Chính phủ về công tác cải cách hành chính và hiện đại hóa, Kho bạc đã hoàn thành triển khai dự án "Hiện đại hóa quy trình thu nộp thuế giữa Thuế - Hải quan - KBNN", dự án tổ chức phối hợp thu NSNN giữa các cơ quan trong ngành tài chính với 5 ngân hàng thương mại.
Áp dụng các hình thức thu nộp NSNN như ủy nhiệm thu NSNN bằng tiền mặt qua ngân hàng thương mại, nộp NSNN qua thiết bị chấp nhận thẻ (POS). 9 tháng đầu năm tổng thu NSNN toàn tỉnh đã đạt 18.122 tỷ đồng. Trong đó: Thực thu ngân sách toàn tỉnh là: 8.290 tỷ đồng, đạt 104% dự toán năm.
Đặc biệt, trong năm 2017, KBNN đã triển khai Đề án Thống nhất đầu mối kiểm soát chi với phương châm "một cửa, một giao dịch viên", nhằm tạo thuận lợi hơn cho các đơn vị sử dụng ngân sách, chủ đầu tư, ban quản lý dự án trong giao dịch chi NSNN với KBNN. Từ tháng 02 năm 2018, đã triển khai thực hiện quy trình kiểm soát chi điện tử thông qua các dịch vụ công của KBNN tại thành phố Ninh Bình và thành phố Tam Điệp.
Đối với công tác chi ngân sách, 9 tháng đầu năm 2018 tổng chi NSNN qua KBNN Ninh Bình là: 8.546 tỷ đồng. Thông qua công tác kiểm soát chi NSNN, từ đầu năm 2018 đến nay, các đơn vị KBNN trong tỉnh phát hiện 107 món chi với số tiền là: 4.652.420.660 đồng do chưa đủ thủ tục theo quy định, đã yêu cầu bổ sung các thủ tục cần thiết.
Xác định mục tiêu phát triển KBNN đến năm 2020, các hoạt động KBNN được thực hiện trên nền tảng CNTT hiện đại và hình thành Kho bạc điện tử, bắt nhịp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Giao dịch tại Kho bạc Nhà nước tỉnh.
KBNN Ninh Bình đã được trang bị máy móc thiết bị công nghệ cần thiết để thực hiện các nhiệm vụ được giao và yêu cầu hội nhập, bao gồm hệ thống máy chủ, máy tính cá nhân cho 100% công chức nghiệp vụ.
Triển khai và ngày càng cải tiến, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS). Triển khai hệ thống thanh toán song phương điện tử, thanh toán liên ngân hàng với hệ thống NHTM. Đặc biệt từ tháng 02/2018, KBNN Ninh Bình đã chính thức vận hành và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, hình thành thêm một kênh giao dịch điện tử.
Đồng thời hình thành trung tâm dữ liệu tập trung tại KBNN là cơ sở cho việc tổng hợp, phân tích thông tin số liệu một cách nhanh chóng, chính xác phục vụ cho công tác quản lý điều hành ngân quỹ nhà nước hiệu quả, an toàn. Chú trọng ứng dụng CNTT trong hoạt động quản trị nội ngành.
Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi một số nội dung liên quan đến chiến lược phát triển của hệ thống KBNN đến năm 2020 trong đó tập trung vào việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 trong ngành Kho bạc; sửa đổi Luật thuế; Luật đầu tư công...
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Thanh, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh ghi nhận sự nỗ lực trong đổi mới của Kho bạc Nhà nước góp phần vào sự phát triển của tỉnh trong những năm vừa qua. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhất trí cao với nội dung báo cáo của KBNN và ghi nhận những đề xuất, kiến nghị của KBNN, giao Ban cán sự đảng UBND tỉnh tham mưu và tổ chức thực hiện.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị KBNN nghiên cứu tham mưu với KBNN Trung ương, Bộ Tài chính trong việc xây dựng cơ chế, chính sách đồng bộ và đầy đủ. Nhất là các nội dung về tập trung các khoản thu và kiểm soát các khoản chi NSNN qua Kho bạc... từ đó góp phần nâng cao chất lượng quản lý quỹ NSNN theo hướng đơn giản, hiện đại, minh bạch; thực hiện quản lý quỹ NSNN an toàn, hiệu quả.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.
Về quản lý quỹ NSNN, cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thu để tập trung đầy đủ, kịp thời các khoản thu vào NSNN, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán NSNN năm 2018 và các năm tiếp theo. Thực hiện kiểm soát chi hiệu quả theo đúng quy định của Luật NSNN. Kịp thời tham mưu, đề xuất với cấp có thẩm quyền các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các đơn vị trong quá trình kiểm soát chi NSNN.
Về Công nghệ thông tin, ngành Kho bạc cần nhất quán quan điểm của Trung ương đó là lấy CNTT làm bước đột phá trong hiện đại hóa KBNN; thực hiện chuyên môn hóa đội ngũ cán bộ CNTT. Tăng cường ứng dụng CNTT trong việc thực hiện các quy trình, thủ tục về thu, chi NSNN nhằm đơn giản hóa quy trình và thời gian thực hiện; đẩy mạnh phối hợp thu, chi NSNN với các ngân hàng thương mại.
Tiếp tục kiện toàn bộ máy KBNN đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu quả, phù hợp với định hướng, lộ trình cải cách của KBNN. Đặc biệt là việc triển khai thống nhất đầu mối chi NSNN. Chủ động đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, lấy chất lượng cao trong quản lý và phục vụ các đơn vị giao dịch. Tiến hành rà soát và hoàn thiện cơ chế, giảm thủ tục hành chính đảm bảo công khai, rõ ràng và minh bạch.
Nguyễn Thơm - Thế Minh