Ông Trần Văn Dự (xã Gia Phú) là một trong 79 nạn nhân chất độc da cam ở xã. Quá trình tham gia chiến đấu ở các chiến trường, ông đã bị nhiễm chất độc da cam và suy giảm sức khỏe 61%. Ông Dự sinh được 4 người con, trong đó có một con gái cũng bị nhiễm chất độc da cam, bị thiểu năng trí tuệ. Mặc dù tuổi cao, sức yếu, song hai vợ chồng ông vẫn phải hàng ngày lao động để nuôi con, nuôi cháu và lo tiền chữa trị bệnh cho con gái.
Ông Dự chia sẻ: Sau khi rời quân ngũ trở về địa phương, hoàn cảnh kinh tế gia đình rất khó khăn. Ông phải bươn chải đủ nghề để nuôi sống gia đình, vừa phải âm thầm chống chọi với những cơn đau do bệnh tật phát tác và lo tiền thuốc men cho người con gái bị di chứng. Với ý chí của người lính cụ Hồ cộng với một chút tư duy làm kinh tế, đúng vào lúc địa phương có chủ trương dồn điền, đổi thửa, ông đã xin quy hoạch gọn vùng, nhận chuyển đổi được 1 mẫu ao, 7 sào ruộng để phát triển kinh tế gia đình. Từ nguồn vốn tích lũy của gia đình và số vốn do Hội Nạn nhân chất độc da cam các cấp trong huyện hỗ trợ, ông Dự đã xây dựng được mô hình VAC mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, gia đình ông Dự đang đầu tư nuôi lợn, thả cá và trồng hoa. Năm qua, ông xuất bán 1,4 tấn cá các loại; 40 con lợn thịt/lứa; 1,6 vạn hoa cúc, hoa dơn cung cấp cho thị trường vào ngày rằm, mùng 1, trừ chi phí giống vốn, mỗi năm ông thu lãi trên 100 triệu đồng.
Còn đối với ông Nghiêm Xuân Lưỡng ở xã Gia Sinh, người lính đã vào sinh ra tử trở về từ chiến trường Quảng Trị thì sự tàn khốc của chất độc hóa học thực sự hiện hữu vào năm 1986, khi vợ ông sinh người con trai út tật nguyền. Chưa dừng lại ở đó, người con trai cả lấy vợ sinh con trai cũng bị câm điếc bẩm sinh. Một gia đình có 3 thế hệ là nạn nhân da cam, vợ ông Lưỡng lại bị bệnh cột sống, không có khả năng lao động. Giữa lúc gia cảnh bệnh tật, kinh tế khó khăn, vào tháng 8/2013, thông qua tổ chức Hội Nạn nhân chất độc da cam, gia đình ông được xét vay vốn của Hội bảo trợ những trẻ em bị nhiễm chất độc da cam tại Pháp với số tiền 7 triệu đồng. Từ số tiền trên, cùng với quỹ hỗ trợ của chi hội và của gia đình, được Thường trực Huyện hội động viên, tư vấn, gia đình ông đã triển khai trồng cỏ trên diện tích 2 sào đất đồi để nuôi bò. Trong 3 năm, bò nái đã đẻ được 3 con bê. Đến nay, gia đình ông có đàn bò 4 con; số tiền bán bò thu được, ông đã hoàn trả gốc đúng thời hạn và sửa chữa nhà ở.
Qua khảo sát, thống kê, trên địa bàn huyện Gia Viễn còn gần 5 nghìn người bị phơi nhiễm chất độc hóa học do Mỹ gây ra trong chiến tranh ở Việt Nam; hiện mới có gần 1.000 đối tượng trực tiếp và gián tiếp đang được hưởng trợ cấp. Với chức năng, nhiệm vụ của mình, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền về thảm họa da cam ở Việt Nam, Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện Gia Viễn tích cực tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền địa phương triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam. Phối hợp cùng các ngành chức năng rà soát, thống kê tình hình người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học. Đồng thời tích cực vận động các nguồn lực xã hội để chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam.
Để động viên, giúp đỡ nạn nhân vượt qua nỗi đau, mặc cảm, vươn lên phát triển kinh tế, giảm nghèo, Ban Chấp hành Huyện hội đã quan tâm, khảo sát nắm chắc tình hình kinh tế gia đình nạn nhân ở cơ sở, phân loại hộ để có phương hướng hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời; tranh thủ ý kiến chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền, phối hợp với các ngành chức năng tạo điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật, vốn để cho nạn nhân phát triển kinh tế. Thường trực Hội, cán bộ chi hội khảo sát, phối hợp với các tổ chức Hội CCB, nông dân tạo điều kiện cho các hộ vay vốn ưu đãi từ các ngân hàng. Hội tập trung xây dựng các mô hình điểm về phát triển sản xuất, chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng hoa, trồng cây lấy gỗ, cây dược liệu... Cùng với đó, Hội còn xây dựng thành công quỹ "Vì nạn nhân chất độc da cam" ở cấp huyện và cơ sở, đến nay, tổng số quỹ toàn hội đạt trên 400 triệu đồng, có nhiều chi hội đạt bình quân 1 triệu đồng/hội viên. Hàng năm, Hội trích quỹ thăm hỏi, động viên và trao quà cho hội viên lúc ốm đau, khó khăn, hoạn nạn, vào dịp lễ, Tết; hỗ trợ cho hội viên xây nhà; cho hội viên vay vốn để phát triển kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập.
5 năm qua, đã có 4 chi hội xã được vay vốn từ nguồn của Tỉnh hội, 3 hộ được vay vốn từ Hội bảo trợ những trẻ em bị nhiễm chất độc da cam tại Pháp; mỗi xã có 2 gia đình nạn nhân được vay vốn của chi hội, với tổng số tiền trên 260 triệu đồng. Thông qua các nguồn vốn vay đã chia sẻ, giúp đỡ hội viên nghèo, có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong phát triển kinh tế, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.
Thùy Phương