Năm 2012 là năm cuối thực hiện Quyết định 136/2007/QĐ-TTg ngày 20-8-2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình khuyến công Quốc gia đến năm 2012, đồng thời xác định được tầm quan trọng và những đóng góp thiết thực của hoạt động khuyến công và trên cơ sở kết quả khuyến công đã đạt được trong năm 2011, Trung tâm khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp đã triển khai thực hiện Quyết định số 163/QĐ-UBND ngày 9-3-2012 phê duyệt kế hoạch sử dụng kinh phí khuyến công năm 2012 với số tiền 2.000 triệu đồng của UBND tỉnh. Trong đó có 3 đề án đào tạo nghề cho 110 lao động với kinh phí hơn 182 triệu đồng; 12 đề án hỗ trợ đầu tư máy móc, thiết bị nhà xưởng, cơ sở hạ tầng với số tiền hỗ trợ là 600 triệu đồng; 4 đề án hội trợ triển lãm với số tiền hỗ trợ 390 triệu đồng; 1 đề án hỗ trợ xét duyệt công nhận làng nghề cấp tỉnh năm 2012 với số tiền 265 triệu đồng… Bên cạnh đó, còn có kinh phí dành cho việc tập huấn các chức danh như: Giám đốc, Phó Giám đốc, kế toán doanh nghiệp về các vấn đề hội nhập kinh tế quốc tế, thông tin thị trường do các giảng viên là chuyên gia kinh tế, giáo viên Trường Đại học Kinh tế quốc dân về giảng dạy. Ngoài ra, Trung tâm còn giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ làm đề án phát triển sản xuất, kinh doanh, từ đó tiếp cận được nguồn vốn chính thống từ các tổ chức tín dụng và ngân hàng thương mại.
Trong quý I/2012, Trung tâm khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh đã phối hợp với Trung tâm khuyến công vùng I- Cục Công nghiệp địa phương đề xuất thực hiện đề án trình diễn mô hình tại HTX dịch vụ sản xuất mộc- cơ khí Khánh Phú; đề nghị cục công nghiệp địa phương hỗ trợ đào tạo nghề cơ khí, thiết kế mẫu mã sản phẩm thủ công mỹ nghệ và tập huấn kiến thức quản trị doanh nghiệp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc Hội doanh nghiệp trẻ Ninh Bình. Ngoài ra, Trung tâm đã triển khai thực hiện hợp đồng đã ký với Cục Công nghiệp địa phương về việc thực hiện đề án đào tạo nghề đan cói, bèo bồng, bẹ chuối xuất khẩu cho 500 lao động nông thôn tại 4 doanh nghiệp…
Có thể nói, công tác khuyến công đã góp phần đẩy mạnh phát triển CN-TTCN, nhất là công nghiệp nông thôn theo chủ trương "Ly nông bất ly hương"; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xây dựng nông thôn mới của các địa phương trong tỉnh. Tuy nhiên, qua thực tế cho thấy, các nội dung của hoạt động khuyến công chưa đa dạng, chủ yếu tập trung vào công tác hỗ trợ dạy nghề ở nông thôn, mô hình trình diễn kỹ thuật khả năng nhân rộng chưa cao; việc hỗ trợ cho các dự án đầu tư còn thấp và dàn trải; nguồn kinh phí dành cho hoạt động khuyến công còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế cần được khắc phục.
Trong thời gian tới, các cấp, các ngành cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách khuyến công, làm cho các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân, nhất là các doanh nghiệp hiểu và nắm được những chính sách của nhà nước về công tác khuyến công để cùng phối hợp triển khai; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến công, mạng lưới khuyến công viên các cấp để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Đồng thời cần tiến hành tổng kết, rút kinh nghiệm mô hình tổ chức khuyến công hiệu quả nhất để cấp có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo thống nhất trong toàn tỉnh…
Bài, ảnh: Bảo Yến