PV: Xin ông cho biết về hoàn thuế điện tử và những thay đổi cơ bản so với quy trình hoàn thuế trước đây ngành thuế đã thực hiện? Ông Nguyễn Văn Phương: Trong thời gian vừa qua, Cục Thuế tỉnh Ninh Bình đã triển khai tích cực, đồng bộ nhiều giải pháp cải cách hành chính theo Nghị quyết số 19/2016/NQ-CP, Nghị quyết số 35/NQ-CP, Nghị quyết số 19/2017/NQ-CP của Chính phủ và các chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế.
Kết quả đã tạo điều kiện thuận lợi, rút ngắn thời gian và tiết kiệm chi phí cho các doanh nghiệp trên địa bàn trong việc thực hiện chính sách, pháp luật thuế, góp phần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển.
Để tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính thuế, từ ngày 1/5/2017, Cục Thuế tỉnh Ninh Bình triển khai thực hiện tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) bằng phương thức điện tử.
Khi áp dụng hoàn thuế điện tử, doanh nghiệp không cần tới cơ quan Thuế để làm thủ tục và nộp hồ sơ trực tiếp như trước đây mà nay có thể thực hiện 24/24 giờ trong ngày và ở bất kỳ nơi nào có mạng Internet. Mọi thao tác hướng dẫn đều được đăng tải công khai trên cổng thông tin của cơ quan Thuế.
Các hồ sơ, tài liệu, thông báo, quyết định liên quan đến quá trình giải quyết hồ sơ hoàn thuế được người nộp thuế gửi cơ quan Thuế và ngược lại được thực hiện qua Cổng thông tin điện tử của cơ quan Thuế.
Trước đây, để được hoàn thuế, doanh nghiệp phải hoàn thiện đầy đủ hồ sơ gửi qua đường bưu điện hoặc trực tiếp nộp tại cơ quan thuế. Sau đó, cơ quan Thuế sẽ xử lý và gửi thông báo đến doanh nghiệp về công tác xử lý hồ sơ và quyết định hoàn thuế qua đường bưu điện hoặc doanh nghiệp có thể trực tiếp đến cơ quan Thuế để nhận, như vậy sẽ tốn nhiều thời gian và công sức cho người nộp thuế và cả cơ quan Thuế.
PV: Xin ông cho biết những lợi ích khi công tác hoàn thuế điện tử được triển khai?
Ông Nguyễn Văn Phương: Khi thực hiện hoàn thuế điện tử sẽ đem lại những lợi ích mà trước hết là tiết kiệm thời gian, công sức cho người nộp thuế và cả cơ quan thuế trong việc gửi, tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả hồ sơ hoàn thuế so với việc gửi và nhận kết quả giải quyết hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu chính như trước đây.
Quá trình giải quyết hoàn thuế tại cơ quan Thuế được cập nhật liên tục trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế giúp người nộp thuế biết tình trạng giải quyết hồ sơ hoàn thuế của mình.
Công khai, minh bạch việc giải quyết hoàn thuế GTGT tại cơ quan Thuế. Doanh nghiệp "ngồi nhà" cũng sẽ được hoàn thuế, không phải mất thời gian, công sức đến cơ quan thuế, giảm được việc tiếp xúc giữa công chức thuế và người nộp thuế, qua đó cũng hạn chế được tiêu cực trong hoàn thuế.
PV: Để được hoàn thuế điện tử, người nộp thuế phải đáp ứng những điều kiện nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Phương: Có 2 điều kiện cơ bản là người nộp thuế đã thực hiện khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử với cơ quan Thuế; người nộp thuế được thực hiện giao dịch hoàn thuế điện tử kể từ thời điểm cơ quan Thuế thông báo chấp nhận giao dịch hoàn thuế điện tử.
Trong giai đoạn 1 (từ ngày 1/5/2017 đến 31/7/2017): Cục Thuế sẽ lựa chọn các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để áp dụng hoàn thuế điện tử, với các tiêu chí như: có lịch sử chấp hành tốt pháp luật thuế nói chung và hoàn thuế GTGT nói riêng; thường xuyên có hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT thuộc trường hợp hoàn xuất khẩu, hoàn dự án đầu tư.
Giai đoạn 2 (kể từ ngày 1/8/2017 trở đi) áp dụng với tất cả người nộp thuế thực hiện khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử với cơ quan Thuế, có nhu cầu sử dụng dịch vụ hoàn thuế điện tử và tự nguyện đăng ký.
PV: Hiện nay, công tác hoàn thuế điện tử được Cục Thuế tỉnh Ninh Bình triển khai như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Phương: Cục thuế tỉnh Ninh Bình đã thành lập Tổ triển khai và xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện; lựa chọn người nộp thuế có đủ điều kiện hoàn thuế điện tử; chuẩn bị về cơ sở vật chất để phục vụ công tác hoàn thuế điện tử như: kiểm tra lại máy móc thiết bị, đường truyền, nâng cấp ứng dụng, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn cho cán bộ thuế thuộc bộ phận tiếp nhận và giải quyết các hồ sơ hoàn thuế bằng phương thức điện tử; hỗ trợ xử lý vướng mắc.
Đồng thời Cục cũng đã và đang phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người nộp thuế như: Đăng tải thông báo, tài liệu hướng dẫn và các văn bản liên quan về hoàn thuế điện tử trên Trang thông tin điện tử Cục Thuế; gửi thư điện tử đến các doanh nghiệp; soạn thảo nội dung ngắn gọn viết tin, bài tuyên truyền trên Báo Ninh Bình, Đài Phát thanh và Truyền hình Ninh Bình, Đài truyền thanh cấp huyện và xã.
Thời gian tới, ngành Thuế sẽ tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ người nộp thuế về hoàn thuế điện tử như: tổ chức tập huấn, hỗ trợ trực tiếp hoặc qua điện thoại...
Với tất cả những nỗ lực, cố gắng của ngành Thuế trong công tác cải cách hành chính đã và đang được triển khai, chúng tôi tin tưởng sẽ đem lại sự thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp trên địa bàn trong việc thực hiện chính sách pháp luật thuế.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
P.V (thực hiện)