Hoàn thành toàn bộ chương trình đợt 1, kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV
Thứ Hai, 01/11/2021, 07:46
Zalo
Sau 11 ngày làm việc liên tục, khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ, đoàn kết, trí tuệ và trách nhiệm, đợt họp thứ nhất của kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra và kết thúc vào chiều ngày 30/10/2021. Tại các phiên họp, các vị đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình đã phát huy dân chủ, tập trung trí tuệ, tham gia có trách nhiệm, hiệu quả vào các nội dung chương trình, góp phần vào thành công chung của đợt 1, kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.
Hoàn thành toàn bộ chương trình đợt 1, kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV
Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV diễn ra trong thời điểm đặc biệt, khi cả nước cơ bản trở lại trạng thái "bình thường mới" sau hơn 4 tháng phải căng mình chống dịch. Do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Kỳ họp được tổ chức theo hình thức kết hợp họp trực tuyến và họp tập trung, chia thành 2 đợt. Đợt 1 của kỳ họp khai mạc vào ngày 20/10 và diễn ra trong 11 ngày, trong đó có làm việc 2 ngày thứ Bảy, và 1 ngày Chủ nhật bằng hình thức họp trực tuyến qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 62 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Quán triệt tinh thần "tiếp tục đổi mới và sáng tạo, vừa tận dụng, tiết kiệm tối đa thời gian, vừa đảm bảo nâng cao chất lượng của kỳ họp, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của Nhân dân và cử tri cả nước", Đoàn ĐBQH tỉnh đã tích cực chuẩn bị cho kỳ họp. Đặc biệt, tại các phiên thảo luận trực tuyến đóng góp vào các dự án Luật, Đoàn ĐBQH tỉnh đều mời đại biểu khách mời là lãnh đạo các sở, ngành có liên quan cùng tham dự. Việc làm này nhằm tạo điều kiện để các cơ quan chuyên môn kịp thời nắm bắt, cùng các ĐBQH tham gia đóng góp ý kiến vào các dự án luật, góp phần nâng cao chất lượng các dự thảo luật, nghị quyết, tăng cường tính công khai, minh bạch, mở rộng dân chủ trong hoạt động của Quốc hội.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu điều hành, thảo luận tại tổ.
Với tinh thần trách nhiệm cao trước cử tri, trước nhân dân, các vị đại biểu Quốc hội tỉnh đã tích cực tham gia đóng góp ý kiến thiết thực vào công tác xây dựng luật và các vấn đề quan trọng của đất nước. Trong đó, tại phiên thảo luận tổ về Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, về công tác phòng, chống dịch COVID-19, bên cạnh việc ghi nhận những thành quả đã đạt được trong thời gian qua, các đại biểu Quốc hội tỉnh đã thẳng thắn đề cập một số khó khăn, bất cập trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, trong phòng, chống dịch COVID-19; đồng thời đề xuất nhiều giải pháp quan trọng để khắc phục.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh: Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương đã vào cuộc quyết liệt, nhất là khi đợt dịch bùng phát lần thứ 4 đã cho thấy được nỗ lực lớn của các lực lượng và vai trò của nhân dân, sự chung tay của doanh nghiệp; đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh trên phạm vi toàn quốc. Song, trên thực tiễn quá trình phòng, chống dịch bộc lộ một số khó khăn cần có giải pháp khắc phục như: đời sống người dân bị ảnh hưởng lớn; năng lực ứng phó với dịch của y tế cơ sở có những bất cập… Thời gian tới, cần xây dựng kịch bản cụ thể về tăng trưởng kinh tế; kịch bản phục hồi kinh tế sau COVID-19. Cần có giải pháp để giải quyết tốt các vấn đề về nhà ở xã hội, các thiết chế cho công nhân lao động, giáo dục online…
Đại biểu Mai Khanh phát biểu thảo luận tại tổ.
Còn theo đại biểu Mai Khanh: Trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 cần nghiên cứu điều chỉnh cơ chế phòng, chống dịch theo hướng thống nhất, kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo việc sản xuất, lưu thông hàng hóa giữa các địa phương. Các giải pháp phòng, chống dịch phải bảo đảm tính hiệu quả, tránh lãng phí. Công tác tiêm phòng vắc-xin cần ưu tiên hơn cho các nhóm đối tượng thường xuyên tiếp xúc, làm việc tại các doanh nghiệp để tránh đứt gãy chuỗi sản xuất. Đẩy mạnh hơn nữa tới công tác tuyên truyền, bảo đảm kịp thời, hiệu quả hơn, tránh gây hoang mang dư luận. Cùng với đó cần quan tâm tới công tác thi đua khen thưởng, vinh danh những lực lượng, người dân tiêu biểu trong công tác này để tạo hiệu ứng lan tỏa, quyết tâm hơn trong phòng chống dịch.
Một trong những nội dung quan trọng của Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, đó là Quốc hội sẽ thảo luận, xem xét và đề ra các quyết sách về khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó có việc xây dựng kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. Đây cũng là nội dung này thu hút sự tham gia thảo luận của nhiều đại biểu Quốc hội.
Đại biểu Đinh Việt Dũng tham gia thảo luận tại tổ.
Tham gia thảo luận, các đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình bày tỏ quan điểm đồng tình với sự cần thiết ban hành Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025. Trên cơ sở những hạn chế trong triển khai thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 và nhận định những cơ hội, thách thức từ bối cảnh trong nước và quốc tế trong giai đoạn tới, đại biểu Đinh Việt Dũng đề nghị cần tập trung thực hiện tốt quan điểm: lấy hoàn thiện thể chế, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo làm đột phá, đảm bảo nguồn lực được huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả theo nguyên tắc thị trường đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi số, khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên số, tài sản số và khuyến khích đổi mới sáng tạo. Chủ động nâng cấp vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu, tăng cường nội lực, phát triển lực lượng doanh nghiệp của Việt Nam, nâng cao khả năng chống chịu.
Tham gia góp ý vào kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, các đại biểu Quốc hội tỉnh cũng bày tỏ băn khoăn về mục tiêu phấn đấu số lượng doanh nghiệp đạt khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025, trong đó khoảng 60.000 đến 70.000 doanh nghiệp quy mô vừa và lớn. "Việc đặt ra chỉ tiêu này thể hiện quyết tâm của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong việc hỗ trợ, đồng hành phát triển doanh nghiệp. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này Chính phủ, bộ ngành, địa phương cần tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp, khơi thông những điểm nghẽn, giải phóng và huy động các nguồn lực để phục hồi, phát triển mạnh mẽ cộng đồng doanh nghiệp"- đại biểu Trần Thị Hồng Thanh đề nghị.
Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh) phát biểu thảo luận tại tổ.
Ngoài các nội dung trên, các vị ĐBQH tỉnh đã tham gia nhiều ý kiến đóng góp thiết thực vào các vấn đề quan trọng của đất nước như: dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025); việc thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, việc quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội, Quỹ Bảo hiểm y tế… Các đại biểu Quốc hội đã tích cực tham gia ý kiến vào dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi)…
Đợt 1, kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV đã thành công tốt đẹp, trong đó có những đóng góp quan trọng của Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình. Sau thành công của đợt họp đầu tiên, Quốc hội sẽ có 1 tuần để nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện các dự thảo Luật, dự thảo Nghị quyết. Đợt 2 của Kỳ họp sẽ tiếp tục vào ngày 8/11/2021 theo hình thức họp tập trung để thảo luận nhiều nội dung quan trọng về kinh tế - xã hội, đầu tư công và công tác phòng, chống và kiểm soát dịch Covid-19; biểu quyết thông qua Nghị quyết chung của Kỳ họp và nhiều Nghị quyết quan trọng khác. Tin tưởng với tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ, kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV sẽ thành công tốt đẹp, đề ra nhiều quyết sách quan trọng, tạo động lực để đất nước phát triển kinh tế- xã hội, quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.