Đến thăm ruộng hoa của gia đình bác Vũ Văn Trác - một trong những "lão làng" trong nghề trồng hoa ở Thạch Bình khi bác đang tỉ mỉ tỉa nhánh cho luống cúc. Bác Trác cho biết: "Dãy cúc này sẽ nở đúng vào dịp Tết Nguyên đán. Tôi tỉa bớt nụ cho hoa cúc to, mỡ màng. Dãy cúc này tôi trồng cách đây một tháng. Sau khi trồng, tôi áp dụng kỹ thuật thắp điện 24/24giờ. Việc thắp điện cho cây có tác dụng kích thích sự tăng trưởng và phát triển của cây. Khi cây đạt chiều cao theo đúng tiêu chuẩn thì không sử dụng điện nữa. "Công nghệ" này là do bà con tự rút ra trong quá trình làm nghề và thực sự tôi thấy rất hiệu quả. Nghề trồng hoa rất công phu. Ngày nào cũng phải có mặt ở đồng để kiểm tra sâu bệnh, quá trình sinh trưởng và phát triển của cây để kịp thời điều chỉnh, chứ không phải cứ bón nhiều phân lân, nhiều nước… là cây đã tốt. Năm nay tôi chỉ trồng một loại hoa cúc. Cũng có vài khách hàng đến xem và đặt hàng rồi. Bác Trác hào hứng dẫn chúng tôi đi thăm ruộng hoa và giới thiệu: "Những dãy hoa đang khoe sắc kia là để bán vào ngày thường, còn hoa phục vụ Tết thì giờ mới ra nụ. Thời điểm này, bà con đang chăm sóc hoa phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán. Hiện nay, hoa ở Thạch Bình bán quanh năm, nhưng để có hoa bán đúng vào dịp Tết thì đòi hỏi bà con phải có kinh nghiệm, phải biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào quá trình trồng, chăm sóc hoa. Có như vậy, không những hoa nở đúng dịp mà hoa còn rất đẹp: Hoa to, lá xanh, bóng…".
Cách ruộng hoa nhà bác Trác không xa là 2 sào hoa của gia đình chị Đinh Thị Huyền. Chị Huyền tâm sự, trước đây, diện tích đất này gia đình tôi trồng lúa, trồng lạc, cũng có năm để hoang vì khó cày cấy. Sau vài vụ hoa thí điểm thành công của một số hộ nông dân trong thôn, chị Huyền dành chỗ đất này để trồng hoa cúc. Thông thường, vào tháng 7 âm lịch bắt đầu trồng hoa và đến tháng 9 đã có hoa bán. Thời gian trồng mỗi vụ cúc khoảng 3 tháng. Năm nay, gia đình chị đưa vào trồng một số giống cúc mới có giá trị như cúc chỉ xanh, chỉ đỏ, tuyết… Chị Huyền phấn khởi, nếu thuận lợi như mọi năm thì với hai sào vườn, mỗi vụ hoa cũng đem lại cho gia đình trên 20 triệu đồng.
Nghề trồng hoa đến với nông dân Thạch Bình rất ngẫu nhiên. Đất đai ở Thạch Bình vốn cằn cỗi, nhiều gia đình không cày cấy mà để hoang. Sau khi thực hiện dồn điền, đổi thửa, một số người dân Thạch Bình nhanh nhạy chuyển hướng sang trồng hoa. Từ một vài hộ trồng "thí điểm" thành công, các hộ khác cũng dần làm theo. Đến nay, toàn thôn Đồi Dài có hơn 110 hộ thì đã có tới 100 hộ trồng hoa. Không chỉ ở thôn Đồi Dài, mà còn nhiều thôn khác cũng phát triển nghề trồng hoa như: Lải, Vệ Chùa… với tổng diện tích trên 5 ha. "Tuy chất lượng hoa của chúng tôi ngày càng được khẳng định, thị trường tiêu thụ không ngừng mở rộng, nhưng thực tế nếu so sánh với hoa ở các địa phương khác như: Hà Nội, Vĩnh Phúc… thì hoa ở Thạch Bình vẫn chưa đẹp bằng. Đơn cử như trồng loại hoa hồng. Hoa hồng ở Vĩnh Phúc, Hà Nội, Ninh Phúc rất đẹp, nhưng ở Thạch Bình thì hoa hồng phát triển chậm, hiệu quả thấp. Vì vậy, chúng tôi rất mong nhận được sự quan tâm, giúp đỡ về khoa học kỹ thuật từ phía các cơ quan chuyên môn để có thể phát triển tốt nghề trồng hoa"- Bác Vũ Văn Trác chia sẻ.
Cùng quan điểm với bác Trác, chị Huyền, nhiều người dân trồng hoa ở Thạch Bình cũng cho rằng, họ rất cần có những kỹ sư giúp đỡ họ nghiên cứu về chất đất, về khí hậu… để tìm ra loại hoa thích nghi, cho năng suất cao. Họ cũng mong muốn được tham gia vào các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật để có thêm kiến thức phục vụ cho nghề trồng hoa. Đây thực sự là vấn đề đáng quan tâm. Bởi lẽ, Thạch Bình là xã khó khăn của huyện Nho Quan. Những năm qua, mặc dù có nhiều cố gắng, song công tác xóa đói, giảm nghèo của xã vẫn chưa có bước đột phá. Việc tìm ra những cây trồng, con nuôi phù hợp để tìm hướng thoát nghèo luôn là mong mỏi của chính quyền và người dân địa phương. Nếu cây hoa đã chứng minh được hiệu quả thực tế thì địa phương cần tích cực vào cuộc, sát cánh cùng người dân, đồng thời phối hợp với các ngành chức năng tìm hiểu, nghiên cứu kỹ thị trường tiêu thụ, tìm đầu ra ổn định cho người dân. Bởi việc tìm ra được giống cây trồng phù hợp và phát huy hiệu quả trên vùng đất khó này là không hề đơn giản.
Bài, ảnh: Nguyễn Hùng