Họa sĩ Phúc Khôi sinh năm 1951 tại làng Chi Phong, xã Gia Trung, huyện Gia Viễn. Tuổi thơ anh đã đi qua những năm tháng khó khăn, quanh năm mưa lũ trắng đồng, bên con sông Hoàng Long hùng vĩ nhưng cũng hết sức dữ dằn. Dù gia cảnh khó khăn nhưng bố mẹ vẫn cố cho con đi học. Những năm còn ngồi trên ghế nhà trường, anh đã sớm bộc lộ năng khiếu và niềm say mê nghệ thuật. Không chỉ tham gia vẽ, trang trí báo tường cho lớp, cho trường, khi còn học ở cấp III Gia Viễn B, Phúc Khôi còn làm phim đèn chiếu cho trường đi dự thi tỉnh và lần nào cũng đạt giải nhất. Phát hiện ra năng khiếu của anh, các chú, các anh ở Ban Văn hóa - thông tin xã mỗi lần có sự kiện gì lại nhờ anh vẽ tranh cổ động, được mọi người hết sức tâm đắc. Cái quý là từ nhỏ, dù vẽ tranh cho xã, cho trường, anh đã hết sức chú ý đến đường nét, bố cục, sắc màu nên vẫn có sự uyển chuyển, sinh động, thu hút được sự chú ý của người xem.
Cũng như nhiều thanh niên thời đó, học hết bậc phổ thông, Phúc Khôi đã tình nguyện cầm súng lên đường đánh giặc. Trên nẻo đường hành quân dọc theo đường Trường Sơn đã tạo cho anh những cảm xúc thật hào hùng, thật đẹp. Lúc đó, anh đang làm công tác tuyên huấn ở một trạm trên đường dây 559, song vẫn thường xuyên xuống các trận địa pháo, các tiểu đoàn xe, các đơn vị công binh, tranh thủ vẽ, lấy tư liệu. Những bức ký họa nhanh, những mảng tranh cổ động của anh đã góp phần động viên, cổ vũ bộ đội, dân công thêm quyết tâm bảo vệ tuyến đường Trường Sơn luôn thông suốt, mãi là địa chỉ an toàn cho "những chuyến xe qua", những đơn vị bộ đội đêm ngày hành quân vào chiến trường cùng quân - dân miền Nam "đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào".
Rời quân ngũ, được nhận về làm việc tại Ty Văn hóa - thông tin Hà Nam Ninh. Với năng lực và nhiệt tình công tác, anh đã sớm được lãnh đạo ngành quan tâm và cử đi học trường Nguyễn Ái Quốc 5. Vốn đam mê hội họa, ngoài giờ học ở trường, anh còn theo học lớp Cao đẳng Mỹ thuật khóa I ngoài giờ của Nhà văn hóa thành phố Hà Nội vào các tối thứ 3, thứ 5, thứ 7 và chủ nhật. Với những đam mê và khát vọng cháy bỏng được lao động sáng tạo dù một lúc theo học cả 2 trường, anh vẫn học giỏi, còn được cử làm lớp trưởng lớp Cao đẳng Mỹ thuật. Rất tiếc là sau khi tốt nghiệp trường Nguyễn Ái Quốc, anh phải bỏ dở lớp Cao đẳng Mỹ thuật để trở về cơ quan công tác. Bù vào đó là lòng say mê học hỏi và không ngừng sáng tạo đã giúp Phúc Khôi tiếp tục vượt lên tạo được những thành công mà không nhiều họa sĩ làm được. Anh có sở trường và năng khiếu đặc biệt về đồ họa, nhất là về mảng tranh cổ động và biểu trưng, đòi hỏi người cầm bút phải tinh tế trong cảm nhận, hào hoa trong ý tưởng, chính xác trong thể hiện, bảo đảm có sức thuyết phục cao. Đến nay trong "kho tàng" tranh cổ động phục vụ nhiệm vụ chính trị của anh đã lên tới hàng trăm tranh. Đây là một loại hình rất khó, có tính đặc thù, nếu bút pháp không vững vàng rất dễ bị trùng lặp, nhàm chán. ở Phúc Khôi càng thấy trân trọng hơn thành quả lao động của anh, bởi là một Phó Giám đốc Thường trực Sở VHTT, quỹ thời gian dành riêng cho lĩnh vực hội họa là không nhiều. ấy thế nhưng tính từ năm 2004 trở lại đây, anh đã 3 lần tổ chức triển lãm tranh, xứng tầm là một họa sĩ đã thành danh, được giới hội họa trong cả nước và công chúng yêu nghệ thuật quan tâm.
Một trong những triển lãm gây tiếng vang lớn, tạo được hiệu quả xã hội cao, đó là nhân kỷ niệm 59 năm Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2/9, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã phối hợp với Hội Mỹ thuật Việt Nam, Sở VHTT Ninh Bình tổ chức triển lãm tranh cổ động của họa sĩ Phúc Khôi với chủ đề "Dân tộc anh hùng, Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại" tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (Ba Đình - Hà Nội). Đây là triển lãm có quy mô lớn với 80 tác phẩm được trưng bày, thu hút trên 168 nghìn lượt khách đến tham quan, với những nhận xét, đánh giá tích cực. Hiện Bảo tàng Hồ Chí Minh đang lưu giữ 52 lời ghi cảm tưởng của khách với tất cả sự trân trọng về năng lực sáng tạo và không quên biểu lộ những tình cảm của mình đối với tác giả. Được biết, đây là triển lãm cá nhân đầu tiên về tranh cổ động trong toàn quốc tại Bảo tàng này.
Vào tháng 1/2005, chào mừng Kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (1930 - 2005), anh đã mở triển lãm cá nhân lần thứ 2 tại Trung tâm VHTT tỉnh với 75 tranh cổ động tiêu biểu được sáng tác trong 10 năm từ 1995 đến 2005 với chủ đề "Đảng, Bác kính yêu, dân tộc anh hùng". Những bức tranh tiếp nối của anh như bản trường ca nhiều chương khúc, vừa đằm thắm, vừa hào hùng, ánh lên niềm tin vào sự nghiệp đổi mới của đất nước. Người xem được chứng kiến những thành công mới của anh, bởi ngoài những tác phẩm đã trưng bày tại Hà Nội, tác giả còn giới thiệu với người xem một số tranh được giải A, B, giải nhì, giải ba toàn quốc đạt được trong năm 2004, 2005. Và tại triển lãm lần thứ 3 vừa qua, Phúc Khôi lại đánh dấu thêm những cột mốc mới, 4 giải nhất biểu trưng và 1 giải nhất tranh cổ động 185 năm ngày thành lập tỉnh Ninh Bình. Những ý tưởng của anh thăng hoa trên từng nét vẽ và điều đó lại dẫn anh đến những thành công mới.
Những giải thưởng mà anh đạt được cứ nối dài qua thời gian, giải A, giải B, giải thưởng VHTT Trương Hán Siêu, 6 giải nhất và 10 giải đồng hạng biểu trưng (logo) toàn quốc và của tỉnh, 1 giải nhất, 3 giải nhì và nhiều giải khuyến khích tranh cổ động toàn quốc cùng với 7 giải nhất, 6 giải nhì và 6 giải ba tranh cổ động tỉnh Ninh Bình. Tác phẩm tiêu biểu thì có nhiều, nhưng phải kể đến giải nhất biểu trưng Hội Nông dân Việt Nam (năm 2001), giải nhất biểu trưng Cục khoa học công nghệ và môi trường Bộ Quốc phòng (năm 2007), giải nhất biểu trưng Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc (năm 2008) và gần đây là giải nhất biểu trưng Du lịch Ninh Bình, thị xã Tam Điệp. Với 2 tranh cổ động "Bác bảo thắng là thắng" và "Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh vô địch muôn năm" đều đạt giải nhì toàn quốc đã được Bộ VHTT (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) in 20.000 bản phát hành trong cả nước. Đến nay anh có 25 tranh đạt giải cao được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam và Bảo tàng Quân đội.
Sức sáng tạo của anh không chỉ dừng lại ở lĩnh vực đồ họa, biểu trưng mà còn khá thành công trong tạo dáng kiến trúc. Đến với đền thờ Trương Hán Siêu dưới chân núi Non Nước, chùa Đẩu Long (thành phố Ninh Bình), Lầu đón gió trên núi Vương Ngữ (thị xã Tam Điệp), cổng làng Kho (Phú Lộc - Nho Quan), cổng làng Hương (Khánh Hội - Yên Khánh) đều nhận ra tính độc đáo và giàu bản sắc trong tạo dáng kiến trúc của anh. Anh còn giúp xã Khánh Phú (Yên Khánh) quy hoạch và tạo dáng kiến trúc đền thờ Bác Hồ. Hẳn từ trong sâu thẳm lòng mình, với tấm lòng kính yêu vô hạn đối với Bác, anh đã dành mọi công sức, tâm huyết cho công việc nên ngay sau khi mở cửa cho mọi người đến viếng Bác, công trình đã nhận được sự đánh giá cao của giới chuyên môn và đông đảo quần chúng nhân dân. Và gần đây nhất là tạo dáng kiến trúc "Cổng Rồng" giả định chất liệu đá đặt tại Ngã 3 cầu Huyện (thị trấn Thiên Tôn - Hoa Lư) để trưng cầu ý kiến nhân dân trước khi lập dự án xây dựng trình UBND tỉnh phê duyệt.
Với Phúc Khôi, trên suốt chặng hành trình lao động nghệ thuật anh luôn đầy ắp những đam mê, tìm tòi và sáng tạo, luôn khiêm tôn lắng nghe ý kiến từ nhiều phía, để tự hoàn thiện mình, vượt lên trong lao động sáng tạo. Đây là phẩm chất đáng quý mà anh luôn biết trân trọng, giữ gìn và phát huy.
Đức - Lương