Người dân chưa tâm huyết với nghề
Theo báo cáo từ phòng Nội vụ - Lao động, thương binh & xã hội huyện Hoa Lư, toàn huyện đã có 11/11 xã, thị trấn mở được các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn với các nghề chủ yếu như: móc sợi xuất khẩu, đá mỹ nghệ, may xuất khẩu, thêu, khâu chăn bông... thu hút 581 lao động. Trong đó, trung bình mỗi xã chỉ có khoảng vài chục người theo học. Nhiều nhất là xã Ninh Giang có 180 lao động học nghề móc sợi xuất khẩu. Còn lại các xã như: Ninh Khang, Ninh Vân, thị trấn Thiên Tôn, Ninh An... chỉ có từ 25-30 người theo học. So với tỷ lệ lao động trong độ tuổi cần việc làm là rất ít. Tuy nhiên, đặc thù của những nghề thủ công kể trên không nhất thiết phải tập trung đông người học, mà qua một số người biết nghề, nghề sẽ được nhân ra diện rộng trong quá trình làm nghề tại các địa phương. Theo đúng giáo trình và mục đích của việc dạy nghề thì sau một khóa học độ chừng 30 ngày, học viên có thể tự mình làm ra các sản phẩm đem lại thu nhập, ngày công cho bản thân với mức từ 7.000 - 10.000 đồng/người/ngày. Nhưng không phải người nào cũng có mức thu nhập như thế sau những lớp dạy nghề với muôn vàn nguyên nhân và lý do...
Ở xã Ninh Xuân, là một địa phương có diện tích sản xuất nông nghiệp tương đối lớn phải thu hồi để phục vụ cho công trình Khu du lịch Tràng An. Xã gặp nhiều khó khăn trong vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động sau thu hồi đất. Các đoàn thể được giao nhiệm vụ đẩy mạnh hoạt động dạy nghề cho hội viên, đoàn viên, xem đó là giải pháp tích cực và chủ yếu để giúp giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm. Thông qua "kênh" các đoàn thể, một số nghề như: thêu ren, trồng nấm được đưa về địa phương nhưng cũng chỉ dừng lại ở "công đoạn" học nghề và... học nghề. Điển hình như Hội Cựu chiến binh xã, phát động hội viên trồng nấm sau khi tổ chức hàng loạt các hoạt động: tham quan, tập huấn chuyển giao KHKT... nhưng nghề trồng nấm vẫn không thể duy trì và phát triển được do nhiều người chưa chú trọng và tâm huyết với nghề. Còn đối với hội viên Hội phụ nữ, sau mấy ngày ngồi cặm cụi bên khung thêu đành bỏ cuộc vì cho rằng, nghề thêu gò bó, thu nhập không cao, lại là nghề "ưa" sạch sẽ, không phù hợp với nông dân... Do đó, cho đến nay, người chưa có nghề ở Ninh Xuân vẫn hoàn... chưa có nghề, trong khi Ninh Xuân là một trong 23 xã nghèo trọng điểm của tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo đứng đầu huyện Hoa Lư với 19,69%.
Còn ở xã Ninh Mỹ, thông qua Trung tâm học tập cộng đồng xã, một nghề mới là nghề làm mi mắt giả được đưa về địa phương với sự liên kết giữa Trung tâm và Công ty TNHH Hồng Hà (Hà Nội) từ cuối năm 2007. Ban đầu, có khoảng 10 người lên Hà Nội học nghề rồi sau đó nghề được mở rộng tại địa phương với hơn 50 người nữa theo học. Người theo học phần lớn là đoàn viên, thanh niên nên chỉ cần khoảng 1 tuần lễ là người học có thể nắm bắt được những kỹ thuật cơ bản. Theo các đồng chí ở Ban quản lý Trung tâm học tập cộng đồng xã, sau học nghề cũng chỉ có 3 người làm nghề thường xuyên với mức thu nhập 1,1 triệu đồng/người/tháng. Số còn lại chưa nhận thức đúng đắn về nghề nên lúc làm, lúc không hoặc không theo.
Rõ ràng là, trong khi cấp ủy, chính quyền các cấp đang nỗ lực từng ngày để giúp các hộ nghèo vươn lên ổn định cuộc sống, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống mức thấp nhất theo mục tiêu đề ra thì bản thân một bộ phận hộ nghèo còn có thái độ trông chờ, ỷ lại và chưa có nhận thức đúng đắn về việc giảm nghèo.
Đặc biệt, giải pháp giảm nghèo thông qua hoạt động dạy nghề để giải quyết việc làm qua thực tế cho thấy đây là giải pháp tương đối hiệu quả trong việc giúp người lao động có việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định, nhất là đối với người lao động ở những địa phương bị thu hồi đất nông nghiệp lại bị chính... người dân xem nhẹ. |
Khách nước ngoài chọn mua hàng thêu ở khu du lịch Tam Cốc - Bích Động. Ảnh: Đức Lam |
Nỗ lực để đạt mục tiêu đề ra
Năm 2006, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm được tương đối khá: 6,8% so với năm 2005, tương đương với việc giúp đỡ được 1.035 hộ thoát nghèo trong năm. Tuy vậy, năm 2007 tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện mới giảm được 1,52% so với năm 2006, tương đương với 216 hộ. Thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TU của Tỉnh ủy, cùng với kế hoạch, nhiệm vụ giúp các hộ nghèo trong huyện vươn lên, Hoa Lư cũng phải tập trung đầu tư nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng cho 2 xã nghèo trọng điểm là Ninh Hòa và Ninh Xuân. Do đó, nhiệm vụ giảm nghèo năm 2008 đặt ra là rất nặng nề.
Trao đổi với đồng chí Lưu Thế Truyền, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban chỉ đạo xóa đói, giảm nghèo huyện được biết: Huyện Hoa Lư đã xây dựng đề án giảm nghèo đến năm 2010 với mục tiêu phấn đấu là tạo môi trường thuận lợi cho người nghèo được tiếp cận với các dịch vụ sản xuất, dịch vụ xã hội một cách bình đẳng, tự lực vượt khó vươn lên có mức sống khá và làm giàu, thu hẹp dần khoảng cách giàu - nghèo. Trong đó, các giải pháp được huyện tập trung triển khai là đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng, mục tiêu, nhiệm vụ của công tác giảm nghèo, đặc biệt là các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao như: Ninh Xuân, Ninh Hòa, Ninh Thắng. Bên cạnh việc tổ chức thực hiện tốt các chính sách đối với người nghèo, huyện cũng chú trọng đến việc xây dựng và tổ chức thực hiện các dự án mang tính khả thi cao như: Dự án khuyến nông - lâm - ngư gắn với việc hướng dẫn người nghèo cách làm ăn, dự án dạy nghề gắn với tạo việc làm cho người nghèo, dự án bố trí và đào tạo cán bộ làm công tác xóa đói, giảm nghèo. Đẩy mạnh xuất khẩu lao động tập trung vào một số nghề truyền thống như: thêu ren, khâu chăn bông, đan mũ, đá mỹ nghệ... Đối với những địa phương có điểm du lịch, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư tham gia sản xuất, kinh doanh, phát triển hàng thủ công mỹ nghệ và các hoạt động dịch vụ phục vụ khách du lịch...
Trong các giải pháp thực hiện kế hoạch giảm nghèo năm 2008, hoạt động tạo việc làm bằng các nghề tiểu thủ công nghiệp tiếp tục được huyện coi trọng và đẩy mạnh với mục tiêu phấn đấu trong năm sẽ có 2.200 lao động được giải quyết việc làm. Hoạt động dạy nghề dự tính sẽ giúp cho 400 lao động ở xã Trường Yên, 350 lao động ở xã Ninh Vân, 300 lao động xã Ninh Hải, 210 lao động xã Ninh Xuân... có việc làm và thu nhập ổn định từ các nghề truyền thống của địa phương như: đá mỹ nghệ, thêu ren và phát triển thêm một số nghề mới như: trồng nấm... Bên cạnh đó, hoạt động xuất khẩu lao động thông qua "kênh" của các đoàn thể như: Hội nông dân, Phụ nữ, Đoàn thanh niên... với việc quan tâm, tạo điều kiện để người lao động được tư vấn nghề nghiệp, hướng dẫn vay vốn... phấn đấu đạt chỉ tiêu có 150 lao động xuất khẩu trong năm.
Kế hoạch và dự định đã được xây dựng. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đề ra giảm 3,94% hộ nghèo toàn huyện, tương đương với 133 hộ nghèo và giải quyết việc làm cho 2.200 lao động trong năm 2008 thì không chỉ từ cấp ủy, chính quyền đến các đoàn thể và người dân trong huyện cần quyết tâm và nỗ lực cao, mà bản thân các giải pháp, kế hoạch đề ra phải được quan tâm sâu sát, triển khai từng bước một cách chu đáo, hiệu quả. Nhất là "khâu" tuyên truyền, phổ biến để mỗi người dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cá nhân, gia đình đối với nhiệm vụ giảm nghèo và tích cực tham gia các nội dung, chương trình phát triển kinh tế do địa phương triển khai.
Bùi Diệu