Tiếp tục ứng dụng các tiến bộ về khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, nhất là những tiến bộ về giống cây trồng và kỹ thuật thâm canh để đạt giá trị cao nhất trên một đơn vị diện tích. Kế hoạch đề ra, toàn huyện gieo cấy 3.270 ha lúa, phấn đấu đạt năng suất 64,5 tạ/ha và sản lượng đạt 21.092 tấn. Trồng 47,9 ha lạc xuân, phấn đấu đạt năng suất 27,5 tạ/ha và sản lượng đạt 131,7 tấn. Đồng chí Vũ Văn Thông, Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện cho biết: Để đạt được những mục tiêu trên, huyện bố trí 100% diện tích lúa ở trà xuân muộn. Tùy thuộc vào điều kiện đất đai, trình độ thâm canh, cơ sở hạ tầng, tập quán canh tác của từng địa phương mà xác định các giống lúa nhằm đạt hiệu quả cao nhất với tinh thần thực hiện tốt dự án cấy lúa cao sản, chất lượng cao của tỉnh. Đối với giống Tạp giao phấn đấu có 70% diện tích sử dụng chủ yếu là giống lúa cao sản: Phú ưu 1, Đại dương 1, Thục hưng 6…, bỏ hẳn giống Nhị ưu 838. Lúa thuần gieo cấy dưới 30% diện tích bằng các giống: Khang dân 18, VĐ8, LT2, Nếp 9… Một số giống có thể mở rộng sản xuất thử: Sông Hồng 2, HT6, Tam nông. Vùng sản xuất lúa cao sản, chất lượng cao bố trí gọn vùng (từ 10 ha trở lên) với việc sử dụng các giống trong khuôn khổ dự án, mỗi vùng chỉ nên bố trí từ 1-2 giống lúa. Tùy từng vùng mà bố trí loại giống và thời gian gieo mạ có khác nhau: Vùng tránh lụt tiểu mãn, ruộng trũng, khu sản xuất theo mô hình lúa - cá (chiếm 5% tổng diện tích); cấy bằng các giống: Thục hưng 6, Phú ưu1, Đại dương1… gieo mạ từ ngày 5 - 10-1-2010, cấy từ ngày 1 - 5-2-2010. Vùng quy hoạch trồng cây vụ đông (chiếm 40% tổng diện tích), cấy bằng các giống Thục hưng 6, Đại Dương1, Phú ưu 1… hoặc bằng các giống Khang dân 18, VĐ8; gieo mạ từ ngày 15 đến 25-1-2010, cấy từ ngày 5 đến 12-2-2010. Những diện tích còn lại cấy bằng giống lúa tạp giao, hoặc lúa thuần đảm bảo cấy xong trước ngày 20-2-2010. Toàn bộ diện tích mạ được gieo bằng hình thức mạ nền hoặc dày súc, có che phủ nilon. Toàn huyện phấn đấu cấy trước Tết Nguyên đán Canh Dần được 80% diện tích và kết thúc trước ngày 20/12. Về cây màu, phấn đấu trồng xong diện tích lạc xuân theo kế hoạch trước ngày 5/2/2010, bằng các giống: L14, L18… Trên đất ẩm gieo lạc mộng, đất khô gieo lạc thóc…
Để gieo cấy lúa xuân đúng thời gian quy định, ngay từ bây giờ các địa phương và đơn vị đã phải xúc tiến nhanh, mạnh các công việc chuẩn bị: Lên kế hoạch ký hợp đồng với các đơn vị cung ứng giống lúa, thuốc BVTV, phân bón với những chủng loại phù hợp và kịp thời, đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng. Khâu làm đất, lấy nước cần được đặc biệt quan tâm. Diện tích đất cày ải làm xong trước ngày 10/12; ruộng làm dầm giữ nước và cày bừa sớm ngâm cho dầm ngấu. Các HTX, Đội khai thác công trình thủy lợi tổ chức làm tốt công tác thủy lợi nội đồng, nạo vét kênh mương, củng cố bờ vùng, bờ thửa; bảo dưỡng tu sửa máy móc trạm bơm nước của mình, có phương án sẵn sàng chống hạn cho vụ sản xuất, nhất là giai đoạn làm đất và thời gian tưới dưỡng cho cây lúa. Căn cứ vào kế hoạch sản xuất và lịch con nước, các đợt triều cường chủ động lấy nước vào đồng ruộng, đảm tưới khoa học, tiết kiệm nhưng đủ cho nhu cầu phát triển của cây trồng trong từng giai đoạn. Tổ chức tốt các buổi tập huấn kỹ thuật, chuyển giao quy trình công nghệ sản xuất cho người nông dân; tăng cường tuyên truyền, phổ biến kỹ thuật thâm canh cây trồng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thực hiện tốt cách bón phân cho từng loại cây trồng ở từng vùng đất khác nhau theo phương châm "Bón cân đối NPK, bón đủ lượng, bón đúng lúc"; bón phân theo quy trình hướng dẫn của chuyên môn, không bón phân đạm cho lúa vào những ngày có nhiệt độ trung bình dưới 150C. Thường xuyên theo dõi dự tính dự báo về tình hình sâu bệnh phát sinh, phát triển trên đồng ruộng; chỉ đạo, hướng dẫn nông dân tích cực kiểm tra đồng ruộng, phát hiện và phòng trừ kịp thời các đối tượng gây hại theo nguyên tắc 4 đúng. Thực hiện tốt chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), chú ý diệt chuột có hiệu quả vào thời điểm đổ nước làm đất bằng các biện pháp thủ công, sinh học là chính.
Trường Sinh