Trong những năm gần đây, huyện Hoa Lư đã có nhiều giải pháp nhằm tạo chuyển dịch mạnh mẽ về cơ cấu kinh tế, cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa, hình thành các vùng chuyên canh gắn với chế biến sản phẩm. Khai thác tiềm năng, lợi thế, chú trọng phát triển kinh tế du lịch gắn với giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Đến thăm mô hình kinh tế của gia đình ông Nguyễn Văn Toán, một hội viên nông dân ở xóm 2 La Mai, xã Ninh Giang. Hơn 10 năm trước, gia đình ông thuộc hộ nghèo, ông đã xoay sở đủ nghề để nuôi 3 người con ăn học. Quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương, nhờ sự tiếp sức từ nguồn vốn vay của ngân hàng và các nguồn quỹ hội, gia đình ông đã đầu tư xây dựng gia trại theo mô hình VAC trên 7 nghìn m2 đất của gia đình và đất đấu thầu của xã, tổng diện tích là 12 nghìn m2. Trên diện tích này, gia đình ông xây dựng chuồng trại nuôi khoảng 100 con lợn thịt, nuôi 600 con ngan, gà, vịt, cải tạo trên 2.000m2 ao nuôi cá và 1 mẫu vườn cây trồng hơn 1 nghìn cây ăn quả các loại. Mô hình gia trại của gia đình ông mỗi năm trừ chi phí cho lãi 100 triệu đồng. Như vậy chỉ vài năm, ông đã trang trải nợ nần, thoát nghèo. Hiện gia đình ông có kinh tế ổn định, ông đã xây dựng nhà cửa khang trang, sắm sửa các dụng cụ tiện nghi để sinh hoạt. Ngôi nhà tình nghĩa được huyện Hoa Lư hỗ trợ cho gia đình ông Đinh Hữu Chung, 81 tuổi ở thôn La Phù, xã Ninh Khang xây dựng năm 2016. Trước đây, gia đình ông Chung thuộc diện hộ nghèo đặc biệt khó khăn của xã, khó khăn nhất là gia đình ông không có đất ở, phải ở tạm trước sân thể thao xã. Huyện Hoa Lư đã cấp cho ông bà mảnh đất 140 m2 và hỗ trợ san lấp mặt bằng, tiền xây dựng nhà. Ngoài ra, Lữ đoàn 74 Tổng cục II Bộ Quốc phòng, anh em làng xóm giúp đỡ ngày công xây dựng. Do đó, ngôi nhà của gia đình ông Chung được xây dựng kiên cố với diện tích hơn 70m2, tổng trị giá trên 200 triệu đồng đã được hoàn thành. Từ hỗ trợ nhà ở, hiện nay ông Chung đã thoát nghèo.
Xác định giảm nghèo là mục tiêu ưu tiên hàng đầu trong các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, huyện Hoa Lư đã đề ra các giải pháp thiết thực, hiệu quả phù hợp với điều kiện của huyện. Từ nguồn vốn vay của Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện từ năm 2011 đến nay đạt trên 260 tỷ đồng đã cho hơn 7 nghìn hộ vay để phát triển kinh tế gia đình. Ngoài ra, các cấp Hội phụ nữ, Hội nông dân đã tích cực vận động, huy động các nguồn vốn cho hội viên vay vốn làm ăn, tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Đối với hộ nghèo có khó khăn về nhà ở, huyện đã huy động các nguồn lực xây dựng và sửa chữa các ngôi nhà đại đoàn kết, chữ thập đỏ, nhà tình thương, qua đó tạo điều kiện cho hộ nghèo an cư lạc nghiệp. Từ năm 2010 đến nay, huyện đã làm trên 100 nhà cho đối tượng chính sách, người có công, hộ nghèo có khó khăn về nhà ở, hiện trên địa bàn huyện không còn nhà dột nát.
Bên cạnh đó, huyện Hoa Lư cũng đã tích cực thực hiện các chính sách khuyến công, khuyến nông, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn. Trong đó tập trung phát triển kinh tế theo hướng đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, đặc biệt ưu tiên, chú trọng phát triển 2 lĩnh vực chủ yếu là tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ du lịch. Đối với lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, huyện quan tâm công tác đào tạo nghề cho người dân. Giai đoạn 2011-2015, huyện đã tổ chức gần 60 lớp dạy nghề ngắn hạn cho hơn 2 nghìn lao động nông thôn trong toàn huyện, chủ yếu các nghề thêu ren, khâu chăn bông, chạm khắc đá mỹ nghệ, may công nghiệp, đan cói, kỹ năng hướng dẫn du lịch... Năm 2016 huyện triển khai khảo sát nhu cầu học nghề phi nông nghiệp trên địa bàn huyện. Tổ chức 12 lớp dạy nghề cho hàng trăm lao động và triển khai đào tạo nghề cho người khuyết tật... Qua đó, hầu hết lao động qua đào tạo đã tìm kiếm được việc làm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống cho bản thân và gia đình với mức lương bình quân từ 1,5 - 3 triệu đồng/người/tháng. Năm 2016 tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn còn 4,75%.
Bài, ảnh: Tiến Minh