Hỗ trợ tối đa để doanh nghiệp ổn định, phát triển sản xuất, kinh doanh
Thứ Bảy, 23/10/2021, 02:19
Zalo
Sau một thời gian dài chống dịch, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, sự nỗ lực, đồng lòng của chính quyền các cấp, doanh nghiệp và nhân dân, các ca nhiễm COVID-19 trong cả nước đã có xu hướng giảm, dịch bệnh đang dần được kiểm soát. Tỉnh Ninh Bình cũng từng bước thực hiện trạng thái bình thường mới. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ tiêm Vắc- xin để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh được phục hồi, tăng trưởng trở lại. Phóng viên Báo Ninh Bình đã có cuộc trao đổi với đồng chí Hoàng Trung Kiên, Giám đốc Sở Công thương về những nhiệm vụ, giải pháp để giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội đã đề ra trong năm 2021
Hỗ trợ tối đa để doanh nghiệp ổn định, phát triển sản xuất, kinh doanh
PV: Xin đồng chí đánh giá về thực trạng của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua?
Đồng chí Hoàng Trung Kiên:Tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh 9 tháng năm 2021 diễn ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19 với biến chủng mới nguy hiểm hơn trên thế giới; ở trong nước đợt dịch COVID-19 lần thứ tư bùng phát trở lại vào cuối tháng Tư tại nhiều địa phương với diễn biến phức tạp, đặc biệt trong quý III, nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó có các tỉnh trọng điểm kinh tế phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Điều này đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và đời sống xã hội của cả nước nói chung, của tỉnh Ninh Bình nói riêng. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cùng sự vào cuộc của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh và thực hiện "mục tiêu kép" trong phát triển kinh tế - xã hội, đến nay tình hình dịch COVID-19 vẫn được kiểm soát tốt, nền kinh tế của tỉnh từng bước phục hồi và đạt tốc độ tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước: Giá rị sản xuất công nghiệp tháng 9 toàn tỉnh ước đạt 8.858,7 tỷ đồng, tăng 1,6% so với cùng tháng năm trước. Lũy kế giá trị sản xuất công nghiệp 9 tháng năm 2021 toàn tỉnh ước đạt 71.404,6 tỷ đồng, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2020.Đối với lĩnh vực thương mại: Doanh thu bán lẻ hàng hóa toàn tỉnh tháng 9 ước đạt gần 2.760,6 tỷ đồng giảm 1 % so với tháng 9/2020, là tháng đầu tiên kể từ đầu năm 2021 ghi nhận mức sụt giảm của hoạt động bán lẻ.
Tuy nhiên, lũy kế trong 9 tháng năm 2021 doanh thu bán lẻ ước thực hiện trên 25.152,1 tỷ đồng, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh sự tăng trưởng khá đồng đều của các lĩnh vực công nghiệp, thương mại thì lĩnh vực xuất khẩu ghi nhận mức tăng trưởng âm liên tục trong quý III. Giá trị xuất khẩu tháng 9 đạt trên 247,7 triệu USD, giảm 19,2% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tính chung lại, tổng giá trị xuất khẩu 9 tháng năm nay ước đạt trên 2.025 triệu USD, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước. Cũng trong tháng này, chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng đã giảm 26,03% so với cùng tháng năm trước, điều này cho thấy thị trường trong nước và xuất khẩu đã có dấu hiệu khơi thông trở lại. Ghi nhận 2 ngành có chỉ số tồn kho giảm lớn bao gồm: ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 60,48% và ngành sản xuất xe có động cơ giảm 91,18%.
PV:Thưa đồng chí, mặc dù đã có rất nhiều nỗ lực nhưng hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn gặp nhiều khó khăn. Xin đồng chí đánh giá cụ thể về những khó khăn của doanh nghiệp hiện nay?
Đồng chí Hoàng Trung Kiên:Cùng với cả nước, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19. Thị trường một số lĩnh vực đóng cửa khiến nguyên liệu đầu vào khan hiếm, hàng hóa sản xuất không bán được, khối lượng hàng tồn kho lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Dịch bệnh không chỉ làm cản trở lưu thông hàng hóa mà việc một số chuyên gia của các công ty chưa thể nhập cảnh vào Việt Nam dẫn đến tình trạng thiếu nguyên liệu đầu vào, đặc biệt là các doanh nghiệp có nguồn cung nguyên liệu đầu vào phải nhập khẩu từ nước ngoài như sản xuất lắp ráp ô tô, điện tử...
Dây chuyền sản xuất ô tô của Hyundai Thành Công. Ảnh: Anh Tuấn
Ngoài ra, một số doanh nghiệp thiếu lao động do có một bộ phận lao động làm việc tại doanh nghiệp cư trú ngoài tỉnh đi lại khó khăn hoặc trong vùng có nguy cơ lây nhiễm cao như Thanh hóa, Hòa Bình, Hà Nam, Nam Định phải thực hiện giãn cách không đến làm việc được tại doanh nghiệp. Phải giãn cách theo quy định 5K nên một số doanh nghiệp phải chia ca làm việc. Một số doanh nghiệp phải thực hiện "3 tại chỗ" đối với lao động ngoại tỉnh.Điều này đã trực tiếp làm gia tăng chi phí sản xuất và lưu thông hàng hóa tăng như chi phí cho người lao động nghỉ việc nhưng vẫn được hưởng lương, chi phí xét nghiệm COVID-19,… hàng vận chuyển phải qua nhiều chốt kiểm dịch, nhiều thủ tục mất thời gian và tăng chi phí cho doanh nghiệp, nhất là chi phí vận chuyển, thuê container rỗng và các dịch vụ logicstic đối với hàng xuất khẩu tăng cao, ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của oanh nghiệp.
Ngoài ra, sức mua của thị trường giảm nên một số doanh nghiệp phải điều chỉnh giảm sản lượng sản xuất, một số doanh nghiệp do tính đặc thù của hoạt động sản xuất vẫn phải duy trì dây chuyền sản xuất như sản xuất xi măng, kính, phân bón,… nên lượng tồn kho lớn dẫn đến khó khăn về nguồn vốn, chi phí sử dụng vốn vay tăng…
PV:Với vai trò quản lý nhà nước về công nghiệp, thương mại, Sở Công thương đã tham mưu cho UBND tỉnh triển khai những giải pháp nào để tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhanh chóng ổn định và phát triển sản xuất?
Đồng chí Hoàng Trung Kiên: Hiện nay tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình cơ bản được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, các tỉnh giáp ranh với tỉnh Ninh Bình là Nam Định, Thanh Hóa và Hà Nam hiện nay đang xuất hiện các ca bệnh COVID-19 trong cộng đồng, nguy cơ lây lan dịch bệnh cho tỉnh Ninh Bình là khá cao. Trước tình hình đó tỉnh Ninh Bình luôn chủ động trước các tình huống dịch bệnh, triển khai quyết liệt các giải pháp để ngăn chặn, cách ly, khoanh vùng, không để dịch lây lan ra cộng đồng, không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và triển khai thực hiện các hoạt động lưu thông vận tải hành khách, hàng hóa bám sát theo các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Y tế.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đang tổ chức tiêm vắc-xin phòng COVID-19 bảo đảm tiến độ, an toàn, đúng đối tượng theo kế hoạch với quan điểm tiêm nhanh nhất, nhiều nhất, rộng nhất đảm bảo an toàn, hiệu quả, công bằng và công khai. Tăng cường xét nghiệm sàng lọc các đối tượng có nguy cơ lây lan dịch, nhất là tại các khu, cụm công nghiệp và các chợ truyền thống; chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị, nhân lực, vật lực trong mọi tình huống. Thực hiện kiểm tra, hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện công tác phòng chống dịch tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, giúp doanh nghiệp vừa sản xuất, vừa chống dịch với tinh thần "an toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn"; chăm lo điều kiện ăn ở cho người dân, người lao động...
Đây là điều kiện quan trọng nhất để doanh nghiệp tăng tốc sản xuất, kinh doanh an toàn, đảm bảo theo đúng yêu cầu phòng chống dịch góp phần cùng với tỉnh hoàn thành "mục tiêu kép" vừa phát triển kinh tế, vừa phòng chống dịch hiệu quả.Để giải quyết những khó khăn cho các doanh nghiệp FDI về lao động chuyên gia, UBND tỉnh Ninh Bình ban hành văn bản số 240/UBND-VP9 về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19.
Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Công thương, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện việc cấp giấy phép cho người lao động nước ngoài, cụ thể: Thực hiện linh hoạt, nới lỏng một số quy định, điều kiện về việc cấp, gia hạn, xác nhận giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam phù hợp với bối cảnh mới nhưng phải tuyệt đối an toàn về phòng, chống dịch COVID-19 theo đúng quy định.Thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịchCOVID-19"; Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 3/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phục hồi sản xuất tại các khu vực sản xuất công nghiệp trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19, tỉnh Ninh Bình đã vận hành hoạt động vận tải hàng hóa, hành khách lưu thông bình thường trong điều kiện mới.
Hiện các xe vận tải hàng hóa quá cảnh qua tỉnh Ninh Bình không phải kiểm tra mà được hướng dẫn phân luồng cụ thể quá cảnh để đi các tỉnh. Đối với vận tải hành khách đã kết nối với 5 tỉnh là Hòa Bình, Thái Nguyên, Hải phòng, Bắc Giang, Quảng Ninh theo đúng các hướng dẫn tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải của 5 lĩnh vực là đường bộ, đường thủy nội địa, hàng hải, đường sắt, hàng không đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 do Bộ Giao thông - Vận tải ban hành.Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Ninh Bình đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp để đảm bảo phục hồi sản xuất trong bối cảnh dịch COVID-19. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững. Tiếp tục tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm bao gồm cả thị trường trong nước và xuất khẩu. Tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là thủ tục hành chính để duy trì và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đảm bảo tăng trưởng.