Thực hiện mức sống tối giản
"Rau, đậu và trứng", đó là "tổng kết" của chị Thủy, một công nhân ở KCN Gián Khẩu (huyện Gia Viễn) khi nói về những thực phẩm quen thuộc mà chị hay lựa chọn vào những buổi đi chợ.
Chị Thủy nói rằng, từ nhiều tháng qua, giá cả một số thực phẩm tăng nên chị và nhiều người lao động khác phải hạn chế mua các thực phẩm như thịt, cá. Mặt hàng được công nhân tiêu thụ nhiều hơn hẳn so với trước là rau, đậu phụ và trứng, trong đó đậu phụ là bán chạy nhất. Nhiều hàng bán đồ ăn sẵn cũng chuyển sang bán đậu phụ, dưa muối, lạc rim… cho vừa túi tiền của người lao động.
Chị Thủy dẫn chúng tôi vào thăm phòng trọ. Đó là căn phòng nhỏ, nằm sâu trong một con hẻm ở đường 12B, xã Gia Tân. Vừa chuẩn bị bữa tối, chị Thủy vừa tâm sự: "Tính cả tiền điện, nước thì phòng trọ này có giá gần 800 nghìn đồng/tháng. Trước đây, em ở một mình nên mọi chi phí khá cao.
Hai năm qua, do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên cũng đã ảnh hưởng nhiều đến đời sống của người lao động. Nhất là từ sau Tết Nguyên đán, giá cả sinh hoạt đều tăng trong khi thu nhập của chúng em không tăng. Để dành dụm được số tiền nho nhỏ gửi về quê cho gia đình, em rủ thêm bạn ở cùng để tiết kiệm chi phí".
Theo thống kê từ Ban Quản lý KCN, trên địa bàn tỉnh ta có 5 KCN, 11 CCN với hàng trăm doanh nghiệp đang hoạt động hiệu quả, giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động địa phương. Hơn hai năm qua, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc làm, thu nhập và đời sống của người lao động. Để đồng hành vượt khó cùng người lao động, các cấp, các ngành có liên quan đã triển khai nhiều giải pháp nhằm giúp người lao động vượt qua khó khăn.
Cụ thể, như đoàn công tác liên ngành tăng cường kiểm tra các doanh nghiệp có đông CNLĐ về thực hiện các chế độ, chính sách theo quy định của Bộ luật Lao động đối với người lao động. LĐLĐ tỉnh cũng đã chỉ đạo, hướng dẫn các cấp công đoàn sát cánh, động viên CNLĐ kiên trì khắc phục khó khăn, nêu cao tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái giúp đỡ nhau lúc khó khăn.
Đồng thời, hướng dẫn các cấp công đoàn tham gia động viên người sử dụng lao động quan tâm, điều chỉnh tiền lương, tăng định mức cơm ca, hỗ trợ tiền đi lại, tiền thâm niên công tác đối với người lao động.
Bên cạnh đó, một số LĐLĐ huyện, thành phố và công đoàn các KCN đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương có các KCN tuyên truyền, vận động các chủ nhà trọ không tăng giá tiền thuê nhà, tiền điện, nước.
Đặc biệt, các cấp công đoàn đã tiến hành khảo sát, tổng hợp CNVCLĐ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để có kế hoạch giúp đỡ, nguồn kinh phí được trích từ Quỹ "Mái ấm công đoàn".
Đặc biệt, tỉnh ta cũng đã tích cực, khẩn trương triển khai gói hỗ trợ đối với những đối tượng lao động bị ảnh hưởng thu nhập do dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ; Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Theo đó, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã kịp thời tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành 1 nghị quyết và trình UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện.
Đồng thời tích cực, chủ động hướng dẫn các sở, ngành có liên quan, UBND các huyện, thành phố rà soát, tổng hợp các đối tượng được hỗ trợ để đưa dòng tiền hỗ trợ đến các đối tượng thụ hưởng sớm nhất.
Thêm chính sách hỗ trợ người lao động
Một tin vui vừa đến với người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp khi mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 08/2022/ QĐ-TTg, ngày 28/3/2022 Quy định về thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Chính sách này nhằm thu hút người lao động trở lại thị trường sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Theo Quyết định này, chính sách sẽ thực hiện hỗ trợ cho 2 đối tượng người lao động tại các KCN, khu chế xuất, khu kinh tế trọng điểm theo Nghị định số 82/2018/ NĐ-CP.
Thứ nhất, là lao động đang làm việc. Điều kiện hưởng là đang ở thuê, ở trọ trong khoảng thời gian từ ngày 1/2/2022 đến ngày 30/6/2022; có hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên được giao kết và bắt đầu thực hiện trước ngày 1/4/2022; đang tham gia BHXH bắt buộc tại tháng liền kề trước thời điểm doanh nghiệp lập danh sách lao động đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà; trường hợp người lao động không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc thì phải có tên trong danh sách trả lương của doanh nghiệp của tháng liền kề trước thời điểm doanh nghiệp lập danh sách lao động đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà. Mức hỗ trợ 500 nghìn đồng/tháng, tối đa 3 tháng.
Thứ hai, là hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động quay trở lại thị trường lao động. Điều kiện hưởng là: Đang ở thuê, ở trọ trong khoảng thời gian từ ngày 1/4/2022 đến ngày 30/6/2022; có hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên được giao kết và bắt đầu thực hiện trước ngày 1/4/2022 đến ngày 30/6/2022, trừ hợp đồng lao động giao kết tiếp nối của hợp đồng lao động đã giao kết và thực hiện trước đó; đang tham gia BHXH bắt buộc tại tháng liền kề trước thời điểm người sử dụng lao động lập danh sách lao động đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà. Mức hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng, tối đa 3 tháng.
Khi được nghe thông tin về chủ trương hỗ trợ tiền nhà trọ cho công nhân trong các KCN, chị Bích Thu, công nhân KCN Khánh Phú (huyện Yên Khánh) rất phấn khởi và mong chờ. "Dù ít dù nhiều thì trong thời điểm khó khăn này, sự hỗ trợ của Chính phủ thực sự có ý nghĩa với chúng tôi. Đời sống của công nhân còn nhiều vất vả, những chính sách hỗ trợ như thế này không chỉ giúp chúng tôi có thêm nguồn lực cải thiện cuộc sống mà còn tạo động lực để chúng tôi vươn lên"-chị Thu nói.
Không chỉ mang lại niềm vui cho người lao động, chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho công nhân tại các KCN cũng được chủ các doanh nghiệp đợi chờ, phấn khởi. Ông Yu Ming Te, phụ trách hành chính của Công ty TNHH May NienHsing Ninh Bình (KCN Khánh Phú) cho biết: Hiện công ty có hơn 3.100 người lao động đang làm việc, trong đó không ít lao động ở xa, phải thuê nhà trọ. Hai năm qua, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, kinh doanh của Công ty.
Tuy nhiên, Công ty cũng đã có sự chủ động trong việc tìm kiếm đơn hàng nhằm đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động. Khi nghe thông tin về chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho công nhân, tôi cũng thấy rất vui.
Trong thời điểm này, việc tuyển dụng lao động đã khó, việc giữ chân được những lao động lành nghề, lao động có kỹ thuật cũng càng khó. Sự đồng hành của Chính phủ với người lao động rất có ý nghĩa, sẽ góp phần ổn định nguồn lao động cho doanh nghiệp. Đây cũng là điều kiện cần thiết để doanh nghiệp phục hồi sản xuất tốt hơn.
Ông Nguyễn Hữu Tuyến, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Ngay khi Quyết định số 08 của Chính phủ được ban hành, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị có liên quan.
Căn cứ vào nhiệm vụ được giao, các cơ quan, đơn vị, địa phương sẽ chủ động, tích cực và khẩn trương thực hiện để sớm tổng hợp, báo cáo về UBND tỉnh kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 08.
Đối với ngành lao động, sẽ thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, quán triệt tinh thần của Quyết định số 08 đến các cấp, các ngành, đơn vị liên quan; chỉ đạo rà soát, hướng dẫn cụ thể bằng văn bản, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện; tiếp nhận hồ sơ đề nghị của UBND các huyện, thành phố; chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thẩm định đối tượng thụ hưởng, tổng hợp kinh phí thực hiện để gửi Sở Tài chính thẩm định, báo cáo UBND tỉnh phê duyệt…
Trước khi thực hiện Quyết định này, ngành lao động cũng đã có nhiều kinh nghiệm trong việc triển khai các gói hỗ trợ của Chính phủ, vì vậy chúng tôi tin rằng, việc thực hiện Quyết định số 08 sẽ đạt tiến độ đề ra, phấn đấu để dòng tiền hỗ trợ sớm đến với đối tượng thụ hưởng.
Đào Hằng