Trong căn phòng nhỏ chưa đến 10m2, nhưng chứa đầy những sách, báo các loại: Báo Ninh Bình, Báo Nhân Dân… được xếp thứ tự, ngăn nắp theo vần A, B, C như một thư viện nhỏ, các thành viên già có, trẻ có đang say sưa đọc và bình về các bài báo.
Bác Nguyễn Tiến Lực - người sáng lập ra CLB đọc báo kể lại: "Ngày ấy, cũng như nhiều địa phương khác, ở xã miền núi Gia Hưng, điều người dân quan tâm hàng đầu là "làm thế nào để đủ ăn, đủ mặc" chứ mấy ai biết tới tờ báo. Ngay cả Đảng ủy, HĐND, UBND xã cũng mới chỉ có 1 tờ báo Ninh Bình. Một số người quan tâm tới báo chí (đặc biệt là những bác có tuổi) thì lại không đủ điều kiện tài chính để mua báo thường xuyên. Đôi khi, nhìn các bác chuyền tay nhau đọc tờ báo đã cũ, tôi hiểu các bác ấy thực sự có nhu cầu về báo từ đó, tôi nảy ra ý tưởng thành lập một CLB đọc báo, nhằm tạo điều kiện cho những người ham đọc báo có thể tiếp cận với nhiều đầu báo khác nhau" .
Theo nội quy của CLB, mỗi thành viên sẽ tự lựa chọn đầu báo để đặt mua dài hạn. Do vậy, "vốn liếng" báo, tạp chí của CLB cũng khá phong phú, như: Báo Ninh Bình, Báo Nhân dân, Tạp chí Cộng sản, Tạp chí xây dựng Đảng… Những chủ trương, chính sách mới của Đảng, của Nhà nước và của địa phương được các bác trong CLB thảo luận, rồi truyền đạt bằng "văn nói" hết sức dễ hiểu, kịp thời tới người dân trong xóm. Những bài báo hay, những mẩu tin quan trọng đều được các thành viên chép riêng, nghiên cứu kỹ để đưa ra thảo luận sôi nổi trong các buổi sinh hoạt được tổ chức định kỳ 1 quý/lần. Qua đó, mối quan hệ giữa các thành viên, giữa thành viên và CLB ngày càng gắn bó mật thiết. Ngoài ra, CLB còn tổ chức nhiều buổi nói chuyện về vai trò của báo chí, đặc biệt là vai trò báo chí trong công cuộc đổi mới đất nước. Những buổi nói chuyện này ngày càng thu hút được nhiều người quan tâm. Dần dần, báo chí đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của nhiều gia đình.
Bác Dương Văn Tộc, thành viên CLB cho biết: "Sau bữa cơm tối, mọi thành viên trong gia đình tôi quây quần trò chuyện. Đứa cháu học lớp 7 được tôi giao nhiệm vụ đọc báo cho cả nhà nghe. Nghe xong, mọi người cùng thảo luận rồi mới "ai làm việc nấy". Với tuổi già như tôi, thì đó chính là những lúc hạnh phúc nhất! Tối nào không được nghe đọc báo, ai cũng cảm thấy thiêu thiếu cái gì đó".
Không chỉ đọc báo cho con, cháu trong nhà, các thành viên trong CLB còn sẵn sàng chia sẻ thông tin với bà con, làng xóm. Cách mà các bác trong CLB chia sẻ thông tin cũng khá đặc biệt. Có thể, các bác đọc báo dưới lũy tre, dưới gốc gạo rợp bóng đầu làng. Ban đầu chỉ một, hai người ngồi nghe, sau số lượng cứ tăng lên theo ngày.
Bác Dương Văn Tộc cho biết thêm: "Đọc báo cho bà con nghe cũng nhiều chuyện cảm động lắm. Có lần vừa đọc xong tờ báo, một cụ đưa cốc nước chè bảo là "thưởng" cho tôi. Lần khác, khi tôi vừa đọc xong bài viết về chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người cao tuổi thì có một cụ bà chừng 80 tuổi bật khóc. Hỏi ra mới biết, vì cụ không biết chữ nên chưa bao giờ được đọc báo. Nay được nghe chính sách của Đảng, cụ mới hiểu Đảng đã rất quan tâm tới lớp người cao tuổi".
Nhiều bài báo viết về bí quyết làm giàu, về nông nghiệp, nông thôn được bà con nông dân rất quan tâm. Anh Quyết - một nông dân trong xóm hồ hởi: Trước đây, tôi toàn phải đi mua gà con ở chợ về nuôi. Không rõ nguồn gốc nên gà hay bị cúm hoặc chết. May mắn, một lần vô tình được nghe một bác trong xóm đọc báo có bài viết về bí quyết ấp gà, vịt hiệu quả, tôi chép lại và áp dụng ngay. Nay thì tôi tự chủ được về gà giống rồi, tôi mà cho gà ấp thì cứ gọi là "mười trứng mười con" nhé! .
Hiện nay, CLB đã có 27 thành viên. Bác Nguyễn Tiến Lực, Chủ nhiệm CLB cho biết: Với phương châm: "Sách là thầy, báo là bạn", CLB đã phát động phong trào xây dựng tủ sách gia đình. Chúng tôi cũng nhận thấy rõ những khó khăn khi phát động phong trào này, đó là đời sống của bà con còn nhiều khó khăn, lo đủ ăn đã khó nói gì tới việc mua sách, báo? Nhưng kết quả thật bất ngờ, chỉ sau 3 tháng phát động, đã có 13/27 hội viên của CLB đã xây đựng được tủ sách gia đình.
Cụ Bùi Văn Khuân, chủ nhân của một tủ sách gia đình vui vẻ: "Khi gia đình tôi chưa có tủ sách thì bọn trẻ không đọc sách, báo bao giờ. Còn bây giờ, ngoài giờ học, chúng hay lấy sách báo ra đọc lắm chứ không đi chơi như trước đây. Thế là tôi mừng lắm rồi".
Gây ngạc nhiên và ấn tượng nhất là tủ sách gia đình của cụ Nhiễm. Năm nay cụ 81 tuổi, còn cụ bà bước sang tuổi 82. Ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng ngày ngày các cụ vẫn đọc sách cho nhau nghe, vừa là để có thêm hiểu biết về các bài thuốc dân gian, hiểu về cách giữ gìn sức khỏe, rèn luyện trí nhớ và phần nữa, như lời cụ nói: Cuộc sống của bà con nơi đây còn nhiều khó khăn, song Gia Hưng vẫn tiên phong trong phong trào xây dựng tủ sách gia đình như là một cách để xây dựng tương lai cho các thế hệ sau.
Nguyễn Hùng