Ngay sau đó, một số bệnh viện tuyến Trung ương như Việt Đức, Bạch Mai, Tâm thần đã về làm việc, thống nhất kế hoạch tăng cường cán bộ với các bệnh viện tuyến tỉnh. Đến nay, nhiều bệnh viện đã nhận được sự hỗ trợ tích cực, hiệu quả của các thầy thuốc tuyến Trung ương.
Bác sĩ Lê Văn Tất, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh cho biết: Lâu nay Bệnh viện chúng tôi phải đối mặt với tình trạng thiếu bác sĩ, do đó chất lượng khám, chữa bệnh cũng có phần hạn chế. Vừa qua, chúng tôi đã được Bệnh viện Tâm thần Trung ương tăng cường cho 3 bác sĩ chuyên khoa I về giúp công tác khám, chẩn đoán, điều trị các rối loạn tâm thần. Với cán bộ thầy thuốc trong bệnh viện, đây sẽ là dịp tốt để học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật, kinh nghiệm xử lý nhiều ca bệnh khó. Tới đây, Bệnh viện Tâm thần Trung ương sẽ cử tiếp 3 bác sĩ về làm việc. Như vậy những khó khăn do thiếu bác sĩ tạm thời sẽ được khắc phục.
Đến thăm Bệnh viện Đa khoa tỉnh, đơn vị đầu đàn của khối điều trị trong tỉnh, chúng tôi cũng được nghe những lời nhận xét, đánh giá hết sức trách nhiệm của lãnh đạo đơn vị đối với chủ trương luân phiên cán bộ tuyến trên về hỗ trợ tuyến dưới. Được biết, từ đầu năm 2009 Bệnh viện bắt đầu có bác sĩ về tăng cường, giúp triển khai một số kỹ thuật mới, dưới dạng "cầm tay chỉ việc".
Tại khoa mắt, thạc sĩ Nguyễn Thị Hiền (Viện mắt Trung ương) đã cùng các bác sĩ trong khoa hoàn thiện kỹ thuật mổ phacô, đồng thời triển khai kỹ thuật mổ lác, sụp mi - đó là những kỹ thuật khó từ trước tới nay anh em chưa từng làm. Qua gần 2 tháng triển khai đã có 146 ca được phẫu thuật, trong đó có 87 ca mổ phacô, 9 ca mổ glucôm, 2 ca phẫu thuật lác…
Chữa bệnh tại Khoa nhi- Bệnh viện đa khoa Ninh Bình. Ảnh: Phạm Trường.
Tại khoa tai - mũi - họng, các bác sĩ của Viện tai - mũi - họng Trung ương cũng đã giúp triển khai kỹ thuật chẩn đoán, phẫu thuật nội soi đối với các bệnh về tai- mũi- họng, như: cắt nhân sơ dây thanh, cắt amêđan vô cảm bằng gây mê, chỉnh vách ngăn trong điều trị viêm xoang, cắt pôlíp mũi, phẫu thuật viêm tai xương chũm… Kết quả, sau gần 2 tháng thực hiện đã có gần 60 bệnh nhân được phẫu thuật tại khoa, đảm bảo an toàn, rút ngắn thời gian nằm viện và tiết kiệm được chi phí cho gia đình bệnh nhân.
Hiện nay, một số bệnh viện như: Việt Đức, Phụ sản Trung ương, Nội tiết… cũng đã cử cán bộ về tăng cường cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh theo đúng yêu cầu chuyên môn kỹ thuật của đơn vị. Bác sĩ Phạm Cầm Kỳ, Phó Giám đốc Bệnh viện cho chúng tôi biết: Luân phiên cán bộ tuyến trên hỗ trợ tuyến dưới là một chủ trương đúng đắn, thiết thực, đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội rõ nét. Để chủ trương trên được triển khai tốt, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã chỉ đạo các khoa xây dựng kế hoạch, đề xuất việc triển khai các kỹ thuật mới dựa trên cơ cấu bệnh tật cũng như khả năng đáp ứng của đơn vị. Trên cơ sở đó, lãnh đạo đơn vị họp, quyết định những kỹ thuật mới cần triển khai, có kế hoạch đầu tư mua sắm trang thiết bị, máy móc.
Về con người, ngoài việc cử cán bộ tham dự các khóa đào tạo dài hạn, ngắn hạn, Bệnh viện đã làm việc cụ thể với các bệnh viện tuyến Trung ương xin hỗ trợ thêm về kỹ thuật và những bác sĩ được tăng cường phải là những người có chuyên môn giỏi về lĩnh vực mà Bệnh viện tỉnh đang cần triển khai. Với cách làm "cầm tay chỉ việc", cùng học, cùng làm việc, các y bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã được tiếp cận và trực tiếp tham gia xử lý nhiều ca bệnh khó, đòi hỏi tính chuyên môn cao. Đây cũng là bước chuẩn bị tích cực về nhân lực cho Bệnh viện đa khoa 700 giường trong thời gian sắp tới.
Cùng với việc tiếp nhận bác sĩ tuyến Trung ương về tăng cường cho tuyến tỉnh, ngành Y tế cũng đã chỉ đạo các bệnh viện tuyến tỉnh hỗ trợ cho bệnh viện tuyến huyện. Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã cử 4 bác sĩ thuộc các chuyên ngành ngoại, chấn thương, sản, hồi sức cấp cứu hỗ trợ cho Bệnh viện huyện Nho Quan, Gia Viễn, Hoa Lư, thị xã Tam Điệp. Sau đợt tăng cường, trình độ chuyên môn kỹ thuật của các bệnh viện đã được nâng lên đáng kể, nhiều trường hợp bệnh nặng đã được xử lý, điều trị tại cơ sở. Điều quan trọng nữa là các thầy thuốc tuyến dưới đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm trong quá trình khám, điều trị cho bệnh nhân, góp phần nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Thời gian tới, Đề án 1816 sẽ tiếp tục được ngành Y tế quan tâm, triển khai và chắc chắn sẽ đem đến hiệu quả lớn hơn, thiết thực hơn với người dân Ninh Bình
Đức Huy