Nhân chuyến công tác về xã Xích Thổ (Nho Quan) gần đây, chúng tôi gặp ông Nguyễn Đức Hứa ở thôn Hồng Quang, nói về sự đổi mới của quê hương, ông cho biết: Cách đây mấy năm, người dân chúng tôi chỉ mơ ước và không biết bao giờ mới được đi trên con đường cấp phối rải đá mạt thay cho con đường đất lầy lội.
Đến nay, như thôn Hồng Quang chúng tôi đã có 95% đường bê tông về tới các ngõ, có nhà văn hóa phục vụ sinh hoạt cộng đồng… Không riêng ông Hứa và người dân thôn Hồng Quang, người dân ở các thôn Đức Thành, Liên Minh, Quyết Thắng, Hùng Sơn (Xích Thổ) cũng chung niềm vui có đường giao thông thuận lợi thay thế cho những con đường lầy lội trước đây; xã Xích Thổ thì vừa đón nhận Bằng công nhận xã nông thôn mới, người dân ai cũng phấn khởi.
Kết quả đó được xây dựng nên bởi nhiều yếu tố, trong đó có việc tỉnh, huyện, xã đã thực hiện hiệu quả Chương trình 135 theo Quyết định 1722 ngày 2/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, UBND tỉnh đã sớm thành lập Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2016-2020, trong đó có chương trình 135; bên cạnh đó UBND tỉnh kịp thời chỉ đạo UBND huyện Nho Quan thành lập, kiện toàn Ban chỉ đạo thực hiện chương trình 135 tại địa phương.
Các sở, ngành và các đơn vị liên quan đã kịp thời tham mưu với UBND tỉnh trong việc triển khai các hợp phần của chương trình 135 và phân bổ chi tiết nguồn vốn đầu tư cho các công trình theo đúng định mức và tiêu chí, đảm bảo phù hợp với nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội hàng năm của tỉnh và đúng các quy định hiện hành.
Việc phân cấp quản lý thực hiện chương trình: UBND huyện quyết định đầu tư các công trình trên địa bàn (trừ các công trình sử dụng lồng ghép nguồn vốn ngân sách do UBND tỉnh phê duyệt) và thực hiện các bước đầu tư tiếp theo.
UBND huyện làm chủ đầu tư phần vốn đầu tư cơ sở hạ tầng tại các xã; UBND các xã làm chủ đầu tư phần vốn đầu tư cơ sở hạ tầng tại các thôn, bản đặc biệt khó khăn; nội dung đào tạo cán bộ cơ sở và cộng đồng giao Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thực hiện.
Trong năm 2017, vốn kế hoạch được giao gần 16.300 triệu đồng, trong đó vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng 11.800 triệu đồng, bố trí cho 30 công trình, trong đó số công trình khởi công xây mới 26 công trình, tổng kinh phí đầu tư 7.600 triệu đồng (22 công trình xã làm chủ đầu tư); số công trình hoàn thành chuyển tiếp 4 công trình, tổng kinh phí đầu tư 4.200 triệu đồng.
Ngoài ra còn tiến hành duy tu bảo dưỡng một số công trình trên địa bàn và hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo thuộc chương trình 135. Trong khuôn khổ chương trình, các đơn vị liên quan đã tiến hành đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho 232 cán bộ cơ sở và cán bộ cộng đồng của các xã, thôn, bản.
Đến nay có 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã đi lại được 4 mùa; tỷ lệ xã có lưới điện quốc gia đến trung tâm xã và các nguồn điện khác chiếm 100%; trên 80% số hộ có nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Diện mạo nông thôn của các xã vùng dân tộc, nhất là các xã đặc biệt khó khăn ngày càng đổi mới; cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng nên việc đi lại, khám, chữa bệnh, học hành có nhiều thuận lợi hơn trước; đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, công tác giáo dục, đào tạo có tiến bộ; trình độ năng lực cán bộ thôn, bản từng bước được nâng lên; sản xuất nông nghiệp có chuyển biến theo hướng sản xuất hàng hóa. Chương trình đã góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo các xã đặc biệt khó khăn.
Từ những kết quả đạt được của từng hợp phần chương trình 135 năm 2017 có thể khẳng định đây là chương trình hợp lòng dân, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Từng nội dung đầu tư, hỗ trợ đều tác động trực tiếp, thúc đẩy kinh tế, văn hóa- xã hội, xóa đói, giảm nghèo ở vùng dân tộc và miền núi.
Nguồn vốn hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng được UBND tỉnh giao cho UBND huyện; huyện chỉ đạo các xã tổ chức lấy ý kiến nhân dân nên đáp ứng được nhu cầu nguyện vọng của nhân dân, nguồn vốn phát huy được hiệu quả.
Trong quá trình thực hiện, công tác tuyên truyền được các đơn vị quan tâm thực hiện, do đó hầu hết người dân trên địa bàn được hưởng lợi từ chương trình đều được biết và chủ động tham gia trong lập kế hoạch, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chương trình.
Các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng được thường xuyên kiểm tra tiến độ, chất lượng thi công; danh sách các hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ phát triển sản xuất đều được thông qua các buổi họp thôn, bản, bình chọn công khai, dân chủ. Do đó quá trình thực hiện chương trình cơ bản thuận lợi, không để xảy ra mâu thuẫn, khiếu kiện phức tạp; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
Bảo Yến