Sở Giao thông Vận tải tỉnh đã áp dụng giải pháp chuyển đổi từ hình thức vận tải hành khách bằng ô tô theo tuyến cố định sang vận tải hành khách bằng xe búyt theo tuyến cố định, có điểm dừng đón, trả khách và xe chạy theo biểu đồ vận hành là: điểm đầu và điểm cuối của tuyến xe búyt không nhất thiết phải là các bến xe mà có thể bắt đầu từ những nơi đông dân cư, các khu công nghiệp, khu du lịch…, giá cước vận tải được tính theo từng chặng, từng lượt và theo tháng.
Nhờ đó, loại hình này vận chuyển được khối lượng lớn hành khách trên một tuyến, đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng cao của cán bộ, công chức, học sinh, sinh viên, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân, góp phần nâng cao dân trí và cải thiện đời sống xã hội.
Vận tải bằng xe búyt cũng giảm được các phương tiện chạy vòng vo, giảm "bến cóc, xe dù", giảm phương tiện xe máy, xe đạp từ các địa phương đến thành phố Ninh Bình và ngược lại. Đồng thời nâng cao chất lượng phương tiện chở khách, chất lượng phục vụ hành khách, đảm bảo cho hành khách đi lại nhanh chóng, thuận lợi, tạo việc làm cho lao động, các đơn vị vận tải, góp phần tăng thu ngân sách, huy động được các nguồn lực trong xã hội cùng tham gia đầu tư phát triển xe búyt công công. Không những thế, loại hình này sẽ thay đổi được thói quen đi lại bằng phương tiện cá nhân, là biện pháp để thực hiện Ngị quyết số 13 của Chính phủ về "kiềm chế gia tăng tiến tới giảm dần tại nạn giao thông và ùn tắc giao thông".
Trên địa bàn tỉnh ta hiện đã tổ chức được 3 tuyến xe búyt, gồm Ninh Bình - Kim Sơn - Lai Thành; Ninh Bình - Nho Quan - Cúc Phương và Ninh Bình - Tam Điệp. Đây là các tuyến có lưu lượng người tham gia giao thông bằng phương tiện cá nhân lớn nên việc tổ chức vận tải hành khách bằng xe búyt là hoàn toàn kịp thời, tạo cho người dân thói quen đi lại thuận lợi, văn minh.
Phương tiện xe búyt hoạt động trên 3 tuyến trên gồm 24 phương tiện loại 40, 50 chỗ ngồi. Trong đó có 19 phương tiện mới, 5 phương tiện cải tạo, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn kỹ thuật, phòng cháy, bảo vệ môi trường. Đội ngũ lái xe và nhân viên phục vụ các tuyến xe búyt đều được trang bị đồng phục, thẻ tên, được tập huấn về nghiệp vụ phục vụ hành khách trên xe búyt.
So với loại hình cũ thì loại hình này mang lại hiệu quả kinh tế và xã hội rõ rệt. Tính trung bình 10 xe trong 1 tháng của 1 tuyến có tổng doanh thu là 47.250.000 đồng, lương nhân viên phục vụ và lái xe đạt từ 2,7 - 4,2 triệu đồng/ người/tháng. Như vậy, trừ chi phí, ước tính hiệu quả kinh doanh trong 1 năm của 2 tuyến xe búyt Ninh Bình - Kim Sơn - Lai Thành và Ninh Bình - Nho Quan - Cúc Phương đạt trên 200 triệu đồng. Riêng tuyến Ninh Bình - Tam Điệp hoạt động chưa ổn định. Bên cạnh đó, theo đánh giá của ngành chức năng, khi các tuyến xe búyt hoạt động, mỗi năm sẽ giảm khoảng trên 766 nghìn lượt xe máy tham gia giao thông và số vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe máy sẽ giảm khoảng hàng chục vụ tai nạn giao thông/năm. Đây chính là hiệu quả xã hội to lớn của xe búyt mang lại.
Ngoài ra, vận chuyển bằng xe búyt còn tiết kiệm được về mặt kinh tế vì khi đi xe búyt hành khách sẽ tiết kiệm được tiền xăng xe, khấu hao như bảo dưỡng, sửa chữa xe, tiết kiệm được thời gian, độ an toàn của tính mạng, đảm bảo sức khỏe, góp phần giảm ô nhiễm môi trường. Với lợi ích thiết thực này, mong rằng xe búyt nhanh chóng được người tham gia giao thông lựa chọn tích cực hơn.
Thanh Thủy