Mô hình trồng chuối Tây Thái Lan kết hợp thả cá (quy mô trên 2 ha) ở thôn Giải Cờ là mô hình liên kết của hộ ông Trần Trung Tín và ông Phạm Trọng Nguyễn. Sau 2 năm phát triển, mô hình đã khẳng định hiệu quả kinh tế hơn hẳn cấy lúa. Với diện tích trên, các hộ đã trồng gần 2.000 gốc chuối.
Điểm đặc biệt của mô hình này là ngoài trồng chuối Tây Thái Lan, nông dân có thể tận dụng những rãnh nước ở giữa được đào rộng khoảng 8m kết hợp thả các giống cá có năng suất cao như: trắm, chép, trôi... để tăng thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích.
Ông Phạm Trọng Nguyễn cho biết: Chuối Tây Thái Lan rất được ưa chuộng trên thị trường bởi chuối ngon, hình thức bắt mắt vì quả có vỏ bóng và vàng.
Đây cũng là giống cây cho năng suất, chất lượng cao hơn so với nhiều giống chuối khác nếu được trồng đúng quy trình. Sau 2 năm trồng, chăm sóc, cây chuối Tây Thái Lan đã khẳng định đây là cây phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở địa phương. Hơn nữa, thị trường đầu ra của sản phẩm này tương đối ổn định, vì vậy chúng tôi khá yên tâm.
Còn ông Trần Trung Tín chia sẻ: Được chính quyền địa phương tạo điều kiện dồn đổi, cho thuê đất thành mảnh liền kề, chúng tôi đã có một diện tích đất phù hợp để xây dựng và phát triển mô hình. Trong quá trình phát triển mô hình, chúng tôi nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ các cấp Hội nông dân, Trung tâm Khuyến nông tỉnh phổ biến kỹ thuật nên qua 2 năm đi vào trồng trọt, cây chuối phát triển khá. Bên cạnh đó, các loại giống cá thả kết hợp với trồng chuối cũng tương đối phát triển, đảm bảo thu nhập ăn chắc.
Đồng chí Trần Xuân Đông, Phó Bí thư Đảng ủy xã Yên Đồng cho biết: Thực hiện chủ trương tích tụ ruộng đất, liên kết sản xuất trong nông nghiệp, Đảng ủy xã đã ban hành Nghị quyết về việc thực hiện tích tụ ruộng đất. Trên cơ sở đó, UBND xã đã xây dựng kế hoạch tích tụ ruộng đất, liên kết sản xuất trong nông nghiệp; tiến hành rà soát, quy hoạch, dồn đổi những vùng liền khoảnh, thuận tiện giao thông - thủy lợi.
Cùng với công tác tuyên truyền về lợi ích thiết thực của việc tích tụ, xã đã tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân thuê đất, chuyển đổi các mô hình kinh tế phù hợp, cho thu nhập cao nhưng vẫn đảm bảo đúng quy định, đúng luật, không làm biến dạng mặt bằng, không gây ô nhiễm, thoái hóa đất, không làm hư hỏng công trình giao thông, công trình thủy lợi...
Đến nay, Yên Đồng đã tích tụ được hơn 100 ha đất mà trước kia trồng lúa kém hiệu quả được chuyển đổi sang phát triển các mô hình kinh tế tổng hợp, nuôi trồng thủy sản, trồng cây ăn quả, chăn nuôi với giá trị thu nhập trung bình trên 1 ha đất chuyển đổi đạt 150 triệu đồng/năm.
Với diện tích ruộng đất lớn được tích tụ đã thúc đẩy người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, con nuôi, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, từng bước phát triển nông nghiệp theo hướng chuyên canh, hiện đại. Mô hình kinh tế tổng hợp có diện tích 1,5 ha của ông Vũ Thành Đông là một minh chứng.
Cách đây 2 năm, ông Đông đã đấu thầu quỹ đất 5% của xã để phát triển mô hình chăn nuôi vịt kết hợp thả cá, cấy lúa. Sau một thời gian quy hoạch, cải tạo, đến nay mô hình khá thành công.
Ông Vũ Thành Đông chia sẻ: Nhờ có chủ trương tích tụ ruộng đất, chuyển đổi diện tích trũng cấy lúa kém hiệu quả sang mô hình cấy lúa kết hợp với thả cá, nuôi vịt mà những người nông dân như chúng tôi đã có thể tận dụng triệt để các diện tích, tầng canh tác, nâng cao thu nhập.
Mô hình này đã tạo môi trường sinh thái kết hợp, khép kín, cá ăn sâu bọ, sục bùn, diệt cỏ dại, thải phân cho lúa nên năng suất lúa tăng 10-15%, tiết kiệm được chi phí phân, thuốc bảo vệ thực vật; đồng thời cá nuôi trong ruộng lúa do tận dụng thức ăn tự nhiên nên lớn nhanh, thịt thơm ngon, bán được giá cao... Bình quân mỗi năm trừ chi phí gia đình tôi thu lãi gần 100 triệu đồng. Tôi cũng như nhiều hộ thực hiện mô hình chuyển đổi từ ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang cấy lúa kết hợp nuôi thủy sản rất phấn khởi...
Thực hiện tích tụ ruộng đất, trên địa bàn xã Yên Đồng hiện đã hình thành nhiều trang trại, gia trại cho hiệu quả kinh tế, thu nhập cao. Hơn thế, việc tích tụ ruộng đất đã làm thay đổi tư duy canh tác nhỏ lẻ, manh mún sang hướng sản xuất quy mô lớn, gắn kết với thị trường tiêu thụ, qua đó, tạo tiền đề để địa phương thực hiện thành công đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đây là tiền đề quan trọng để địa phương tiếp tục thực hiện chủ trương tích tụ ruộng đất trong thời gian tới.
Bài, ảnh: Mai Lan